TIN TỨC
Danh bạ doanh nghiệp
Danh mục sản phẩm
Danh mục dịch vụ
Quảng cáo
Làng hoa cây cảnh Kim Phúc
Đã 30 năm từ khi có nghề, đến nay nghề trồng hoa cây cảnh ở làng Kim Phúc xã Nghi Ân, thành phố Vinh đã có gần trăm hộ theo nghề. Hộ làm ít, hộ làm nhiều song ở họ đều gặp gỡ ở niềm đam mê sinh vật cảnh.
Làng Kim Phúc, xã Nghi Ân, thành phố Vinh, Nghệ An


Nghề trồng hoa cây cảnh bén rễ vào làng từ những năm 80. Khi đó tình hình kinh tế của xã gặp nhiều khó khăn, một số hộ đã học nghề ươm cây phi lau, bạch đàn của các cụ trại phụ lão xã để đem đi bán. Lúc đầu chỉ vài ba hộ. Đến năm 1990, khi thấy nhu cầu thị trường cây cảnh phát triển, các hộ chuyển dần sang làm các loại cây bóng mát, cây ăn quả. Bước đầu người dân làng nghề gặp rất nhiều khó khăn về kỹ thuật trồng hoa, tạo thế cây… vì chưa có kinh nghiệm, thị trường lại bấp bênh nên thu nhập lao động trong làng còn thấp. Nhưng với quyết tâm và lòng ham mê cây cảnh, một số hộ đã mua cây phôi về trồng trong vườn rồi thuê các nghệ nhân từ Nam Định về tự tạo để học nghề, một số hộ còn bỏ công đi ra các tỉnh phía Bắc như Thái Bình, Hà Nội, Hưng Yên … để học làm cây thế bonsai và trồng các loại hoa. Từ những khu vườn cây tạp, với bàn tay và công sức của người dân không kể ngày đêm đã biến thành vườn cây đẹp, đủ các loại cây như sanh, vạn tuế, lộc vừng, tùng tuyết, tùng la hán, cau lùn… có giá trị kinh tế cao từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Diện tích trồng hoa cũng ngày một tăng. Bình quân một năm làng trồng 700 cây cảnh các loại và 40.000 bông hoa. Thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng, không chỉ khách hàng trong tỉnh mà còn ra cả các tỉnh khác.

 

 

Ảnh sưu tầm

 

Hiện nay làng nghề đã có một đội ngũ chuyên nghiệp trồng chăm sóc với 50 người,  đội ngũ tạo thế 6 người. Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp làng đã mở các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng hoa cây cảnh cho bà con, xây dựng các mô hình trồng hoa trong chậu. Nhiều hộ trong làng còn tự học hỏi chiết cành, ươm hạt để tạo ra nhiều cây mới. Chính nhờ thế mà thu nhập của người dân làng nghề không ngừng được tăng lên. Trong làng đã có trên chục hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng trên một năm, gần 20 hộ có thu nhập từ 50 – 100 triệu đồng/năm.  Nhờ hiệu quả của nghề trồng hoa cây cảnh mà đời sống của người dân không ngừng nâng lên, nhiều hộ đã làm được nhà cao tầng, mua được ô tô và các phương tiện khác

 

Chị Nguyễn Thị Hà, một hộ gia đình làm nghề trong làng cho biết, trước đây khi chưa làm nghề này, gia đình chị gặp nhiều khó khăn, chỉ trông cậy vào nguồn thu từ buôn bán nhỏ và chăn nuôi. Từ khi theo nghề này anh chị đã có vài chục chậu cảnh, ngoài việc chị vẫn tranh thủ đi chợ, chăn nuôi, nhờ thế mà cuộc sống khấm khá hẳn lên.

 

Đến thăm nhà ông trưởng làng Nguyễn Viết Thể, ngôi nhà ông được bao bọc bởi hàng chục chậu cây cảnh quanh sân. Ông cho biết sau khi được công nhận làng nghề, làng Kim Phúc không ngừng phát triển, thu nhập của người dân từ nghề trồng hoa cây cảnh không ngừng được tăng lên, tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Viết Thắng thu nhập 250 triệu đồng/năm, ông Nguyễn Viết Châu 220 triệu đồng/năm, ông Lê Trọng Hường 200 triệu đồng/ năm … . Bây giờ trong làng hầu như nhà nào cũng trồng hoa, nhà thì kinh doanh nhưng cũng có những nhà trồng hoa để tạo thêm một không gian xanh cho ngôi nhà của mình.

 

Những tháng gần Tết là những tháng mà người lao động ở làng hoa bận rộn nhất. Bên cạnh chăm sóc các loại cây cảnh, tìm nguồn hàng tết, họ còn trồng các loại hoa như cúc, hồng, viôlét…  và các loại hoa trong chậu. Năm nay, so với những năm trước thời tiết có vẻ như ấm hơn, thuận lợi hơn cho việc chăm sóc và phát triển các loại hoa. Vì thế người dân làng hoa đang tin tưởng vào một mùa hoa thắng lợi.

 

Có được kết quả trên đây, bên cạnh những điều kiện thuận lợi về đất đai, thổ nhưỡng phù hợp, thị trường tiêu thụ, đường sá giao thông thuận lợi, sự kiên trì, chịu khó và sự sáng tạo của người dân còn có chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo xã, huyện đã có nhiều chủ trương hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển nghề.

Vân Anh