Nghề mộc là một nghề không mới nhưng khó làm và không phải ai cũng làm được. Thế nhưng ở làng Thuận Giang - Quỳnh Hưng, nghề mộc lại rất phát triển, số lao động tham gia làm nghề mộc rất đông. Làng có 250 hộ thì đã có 111 hộ làm nghề mộc, với số lao động làm nghề là 181 người.
Trước đây nghề chủ yếu của làng là trồng cói dệt thảm xuất khẩu và trồng lúa, tuy nhiên nghề dệt thảm cói cũng không được lâu dài, nghề trồng lúa lại phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Lực lượng lao động dôi dư ngày một nhiều, do đó những ý tưởng tìm nghề làm thêm đã được nung nấu.
Một số gia đình như ông Bùi Minh, Bùi Lý, Nguyễn Chỉnh, Bùi Huệ... là những hộ có công đầu trong việc đưa nghề về làng. Năm 1992, họ đã tìm thầy học nghề, mời những người thợ ngoài Bắc có tay nghề giỏi về dạy những bài học cơ bản về nghề mộc. Từ những bài học đó, họ đã tự học hỏi thêm, mạnh dạn bỏ vốn đầu tư sản xuất. Người biết nhiều dạy cho người biết ít, người biết ít dạy cho người chưa biết, dần dần tay nghề của mỗi người ngày càng được nâng cao. Thời gian đầu làm nghề, sản phẩm chủ yếu của làng là các mặt hàng dân dụng, phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày. Song không chỉ dừng lại đó, khi nhu cầu của khách hàng ngày một cao, họ đã học hỏi thêm nhiều mẫu mã và bằng sự khéo léo của mình, họ tạo nên những sản phẩm cao cấp đa dạng, có tính nghệ thuật. Họ thường xuyên lựa chọn những loại gỗ có chất lượng cao như gỗ lát hoa, gỗ đinh hương, dạ hương, gụ... và có vân, chun hoa, đó là các hoa văn tự nhiên nằm trong từng thớ gỗ. Nhờ thế mà hiện nay khách hàng của làng không chỉ có trong tỉnh mà cả ngoài tỉnh trong Nam, ngoài Bắc đến mua hàng, đặt hàng, mặc dù làng chưa có một cơ sở hay một trụ sở để giới thiệu sản phẩm.
Ông Nguyễn Định - Trưởng làng cho biết: Mặc dù ở đây có rất nhiều làng làm nghề mộc, nhưng khách hàng tìm đến tận nơi làng chúng tôi để mua hàng. Trong làng có những cơ sở có đến 15 lao động nhưng hàng lúc mô cũng hết. Lao động ở các làng, xã lân cận đến xin học nghề ngày một nhiều như chạm trổ, lắp ráp ghế Âu á...
Cứ thế đến nay sau 30 năm nghề mộc đã trở thành một nghề chính, thu nhập chính của người dân trong làng. Thu nhập bình quân của lao động làm nghề mộc từ 4 - 6 triệu đồng/ người/tháng. Hàng năm, làng đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục lao động trong làng, xã và một số xã lân cận. Mặc dù đầu ra của sản phẩm còn mang tính tự phát, dân tự quan hệ bán theo giá trên thị trường, song không phải vì thế mà sản phẩm của làng bị tồn động mà luôn khan hiếm hàng.
Hiện nay làng có gần 150 thợ có tay nghề cao trong đó có 1 người được cấp Bằng nghệ nhân năm 2000, 2 thợ giỏi đã tạo ra những sản phẩm có giá trị nghệ thuật và giá trị kinh tế. Những sản phẩm mộc của làng đã có mặt trong Nam, ngoài Bắc. Nhờ sự cần cù chăm chỉ, đoàn kết, một số cơ sở trong làng đã dạy nghề không chỉ cho con em trong làng mà cả người ngoài địa phương. Ông Phạm Trung Thiên - Chủ tịch xã Quỳnh Hưng nói: Hiện nay, làng đã thu hút một lực lượng lao động là thanh niên trong làng rất đông làm thợ điêu khắc, điều đó đã góp phần giảm bớt các tệ nạn tại địa phương, an toàn trật tự xã hội ngày càng được đảm bảo hơn.
Mặc dù còn có nhiều khó khăn, vốn đầu tư còn hạn chế, tay nghề của lao động chưa đồng đều, nguồn điện tại địa phương không ổn định… nên hiệu quả sản xuất chưa cao. Song người dân làng nghề vẫn đang ngày một cố gắng không ngừng để khắc phục những khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất. Và nhờ đó, năm 2011 làng được UBND tỉnh công nhận là Làng nghề mộc dân dụng và mỹ nghệ cấp tỉnh. Từ đây làng có thêm nguồn động viên lớn để phát huy tiềm năng, sản xuất nhiều mặt hàng cao cấp và ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Vân Anh