TIN TỨC
Danh bạ doanh nghiệp
Danh mục sản phẩm
Danh mục dịch vụ
Quảng cáo
Làng nghề kết chổi đót Thanh Lương
Xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương

Xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương là một vùng quê nghèo của tỉnh Nghệ An, nơi đây có nhiều nghề truyền thống như nghề rèn, nghề đan lát, nghề kết chổi đót… Nghề kết chổi đót đã có từ lâu đời, không ai nhớ rõ chỉ biết từ khi sinh ra đã thấy hàng ngày ông bà, cha mẹ kết chổi để phục vụ những nhu cầu sinh hoạt trong gia đình... Cụ Hoà năm nay đã gần 90 tuổi nhưng hàng ngày vẫn cùng bà kết chổi, để  vào mỗi phiên chợ Cồn bà lại tranh thủ mang đi bán. Cụ cho biết hồi còn nhỏ cụ vẫn thường cùng mọi người trong xóm đến mùa đót trổ là rủ nhau đi lấy đót về… Ông Nguyễn Duy Mai - Chủ tịch xã Thanh Lương cho biết thêm, trước đây nghề nhỏ lẻ nhưng khoảng 20 năm trở lại đây do nhu cầu của người tiêu dùng ngày một nhiều nên nghề đã được phát triển mạnh, cứ người này truyền nghề cho người khác, đến nay chổi đót Thanh Lương đã được người tiêu dùng trong tỉnh ưa chuộng. Một số hộ có thu nhập khá từ nghề này như hộ ông Kiên, ông Ngọc, ông Từ, ông Tuyền, anh Tám, anh Thi…

Làm nhiều nhất trong làng là hộ anh Tám, có 2 lao động chuyên nghề chổi đốt, trung bình mỗi năm gia đình anh làm hết khoảng 6-7 tấn đót. Hầu như ngày nào anh cũng có một chuyến xe chở hàng đi nhập cho các hộ kinh doanh ở các chợ lân cận hoặc cũng có khi gửi xe đưa hàng xuống Vinh. Sản phẩm chủ yếu của gia đình anh là chổi quét nhà và chổi sử dụng trong xây dựng Năm 2012, cả hai vợ chồng anh có thu nhập gần 50 triệu đồng. Nhờ có nghề làm chổi mà anh đã xây được nhà cửa khang trang, con cái được học hành đầy đủ.

Nhân công đang làm việc tại một cơ sở sản xuất

          Hiện làng có 123 hộ với 231 lao động, trong đó 75 lao động tham gia làm nghề (chiếm 32,5%). Chỉ trừ những ngày mùa bận rộn, còn lại không kể buổi trưa hay buổi tối người dân nơi đây lại kết chổi đót. Lao động làm nghề này rất đa dạng, kể cụ già, em nhỏ và đến cả những cán bộ xã đều có thể tranh thủ làm thêm. Những đôi tay của ông, bà, bố, mẹ vẫn thoăn thoắt làm bên cạnh những câu chuyện ngày thường, chuyện con cái, chuyện anh em, bà con, làng xóm….

          Cứ vào khoảng tháng 12 đến tháng 2 âm lịch hàng năm là mùa đót trổ hoa, người dân lại đi thu mua hoa đót về phơi khô rồi cất giữ để làm quanh năm. Trung bình mỗi hộ tiêu thụ từ 5 – 7 tấn đót mỗi năm. Giá đót vào mùa dao động từ 2 triệu - 2,2 triệu/tạ tuỳ vào chất lượng của đót, tuy nhiên cũng có lúc giá đót tăng cao lên 4 triệu/tạ. Có hộ neo người thì mua đót của thương lái thu gom từ các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông… về bán tại xã. Nhưng cũng có một số hộ lại tự đi lấy đót. Họ thường đi xe máy đến tận cửa khẩu Thanh Thuỷ, tận biên giới nước bạn Lào để lấy, cả đi và về hết gần 100 cây số nhưng vẫn có nhiều người đi. Anh Thi, người  chuyên kinh doanh đót nguyên liệu cho biết do vốn không nhiều nên tự đi lấy tiết kiệm được từng nào hay từng đó. Anh thường cùng một số người trong xã đi lấy đót ở Thanh Thuỷ, chọn đúng thời điểm “đót cao cổ” (tức là đót vừa trổ), thời điểm cho chất lượng đót tốt nhất. Trung bình một chổi làm hết 5-7 lượng đót với khoảng 20 phút, giá từ 25 – 30 ngàn đồng/cái tuỳ theo lượng đót và phụ liệu (dây mây, thép hay dây cước… ). Mẫu mã các loaị chổi nơi đây vẫn còn chủ yếu theo truyền thống, nhưng chổi được bện bằng mây vẫn là loại chổi bền đẹp và có giá cao hơn cả. Bác Kiên, một trong những hộ làm chổi đót nhiều cho biết: bởi vì chú trọng đến chất lượng là chính nên mẫu mã chưa được thật đẹp như một số địa phương sản xuất chổi trong tỉnh. Hiện nay gia đình bác Kiên có 2 lao động làm nghề, mỗi năm gia đình bác làm hết 2 tấn đót, và có thu nhập từ 14 -15 triệu đồng.

Mặc dù trong quá trình làm nghề gặp không ít khó khăn như thiếu vốn, đầu ra không ổn định, nguồn nguyên liệu bấp bênh… nhưng người dân vốn cần cù chịu khó, quyết tâm bám trụ vào nghề của cha ông. Năm 2012 thu nhập bình quân từ nghề 1,26 triệu đồng/tháng, chiếm 56% so với tổng thu nhập của làng, bình quân mỗi lao động có thu nhập 16,8 triệu đồng/năm. Đến nay thấy được lợi ích từ nghề kết chổi đót do đó không chỉ xóm 4 mà đến nay cả xã đều có người làm, thông qua việc học hỏi lẫn nhau.

Năm qua người dân xóm 4 cũng như nhân dân xã Thanh Lương đã vinh dự đón nhận Bằng công nhận làng nghề của UBND tỉnh, nâng số làng nghề trong xã lên 2 làng. Đó là niềm vui nhưng cũng là trách nhiệm của Đảng bộ, UBND và người dân trong xã làm sao để cho nghề ngày một phát triển hơn nữa, khẳng định được một thương hiệu nghề truyền thống của quê hương.