Từ bao đời nay, người dân xã Nghi Thái - Nghi Lộc (Nghệ An) đã biết đan các dụng cụ gia đình bằng mây, tre, nghề cứ phát triền dần trở thành nghề truyền thống của xã đã hơn 300 năm nay. Từ việc đưa sản phẩm ra các vùng phụ cận bán, xã đã thành lập làng nghề và vươn ra thị trường thế giới. Làng nghề mây tre đan đang là hướng thoát nghèo bền vững của người dân nơi đây.
Nghi Thái là xã thuần nông, diện tích đất cát nhiễm mặn nhiều nên đời sống của người nông dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Sau mỗi mùa vụ, người dân lại có thói quen đan lát các sản phẩm phục vụ gia đình và bán kiếm thêm thu nhập. Nguyên liệu là những cây tre, nứa trong vườn, sau này phải nhập từ các huyện vùng cao như Quế Phong, Quỳ Châu...
Trước đây bà con kinh doanh kiểu nhỏ lẻ nên thu nhập cũng không được là bao, sản phẩm cũng đơn giản nên thị trường chưa biết đến. Năm 2001, Tỉnh ủy Nghệ An có Nghị quyết 06 về xây dựng, củng cố và phát triển các ngành nghề truyền thống, xã Nghi Thái đã tổ chức các lớp tập huấn, mở lớp đào tạo nghề mây tre đan xuất khẩu cho người dân.
Các doanh nghiệp kinh doanh, làng nghề sản xuất cũng dần hình thành. Từ khi có nghị quyết người dân Nghi Thái đã chuyển hẳn sang cách làm ăn tập trung chuyên nghiệp. Họ không sản xuất hàng chợ nữa mà chủ yếu làm theo đơn đặt hàng với mục tiêu theo đuổi là áp dụng mỹ thuật ứng dụng vào vật liệu tre thổi hồn vào tre Việt tạo nên nét đẹp văn hóa dân tộc.
Các trang trí, thiết kế cũng như sử dụng vật liệu phối kết hợp một cách hiện đại để theo kịp thị hiếu của người tiêu dùng. Vì vậy, những sản phẩm như rổ, rá, chao đèn, lọ hoa… nay đã được cách điệu xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Nhật, Đức, Pháp, Mỹ…
Có một cách làm hay là các doanh nghiệp đã đầu tư cho người dân nguyên vật liệu, phương tiện sản xuất để người dân tự nhận về nhà đan lát và ăn theo sản phẩm. Chính vì vậy người dân tận dụng được thời gian làm việc và sức lao động của cả gia đình.
Bà Nguyễn Thị Bình (60 tuổi), theo nghề từ năm 1967 tâm sự: “Nghề mây tre đan có ưu điểm là không cần vốn, người dân nhận nguyên liệu từ các doanh nghiệp về làm, tận dụng được mọi nguồn lao động từ thanh niên đến người già, có việc làm thường xuyên và tranh thủ làm được mọi lúc mọi nơi”.
Hiện một tuần gia đình bà Bình nhận từ 40-50 kg thanh lùng về chẻ rồi đan, tùy loại có thể đan được từ 15-17 bộ sản phẩm, chủ yếu đan theo mẫu mã do doanh nghiệp mang đến. Mỗi sản phẩm được trả từ 20 - 40 ngàn đồng, đủ để trang trải cuộc sống.
Ông Vương Đình Dương - Trưởng Ban khuyến công phụ trách làng nghề cho biết: “Hiện nay, trên toàn xã đã có tới 10 thôn làm mây tre đan được tỉnh công nhận là làng nghề, thu hút 1.300 lao động tham gia. Mây tre đan là một trong những nghề tiểu thủ công nghiệp chính phát triển ở xã.
Mỗi năm xã mở các lớp đào tạo; trích ngân sách của địa phương hỗ trợ các lớp học. Ông Thái Đại Phong - Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong - một trong những doanh nghiệp tổ chức sản xuất tại làng nghề chia sẻ: Những sản phẩm mây tre đan Nghi Thái với đặc tính được đan hai lớp, hoàn toàn làm bằng tay, màu sắc và nguyên liệu tự nhiên, không xử lý hóa chất, không mối mọt, độ bền từ 10 năm trở lên, thêm vào đó tính tạo hình mỹ thuật cao nên người sử dụng trong nước và đặc biệt là ở nước ngoài rất ưa chuộng.
Chỉ cần khéo léo sắp xếp chúng trong một không gian đầm ấm, hướng nội, cổ kính thì sẽ đạt được giá trị thẩm mỹ cao. Hàng năm, công ty xuất khẩu hơn 1 triệu sản phẩm mây tre đan sang thị trường các nước.
Hiện nay, về Nghi Thái có thể nhận thấy nhà cao tầng san sát, đó là thành quả của sự năng động và chăm chỉ của người nông dân Nghi Thái, những người vừa bảo tồn nghề truyền thống vừa biết vươn lên làm giàu.