TIN TỨC
Danh bạ doanh nghiệp
Danh mục sản phẩm
Danh mục dịch vụ
Quảng cáo
Làng nghề gốm cổ Trù Sơn
Từ Quốc lộ 46 rẽ sang đường 15 qua Mỹ Sơn (Đô Lương), vượt đỉnh Cồn Nem đến Trù Sơn, cái nôi của nghề gốm truyền thống trên đất Đô Lương nói riêng và cả xứ Nghệ nói chung.
Trù Sơn, Đô Lương

Trù Sơn là làng gốm có một không hai bởi vì đây là nơi duy nhất làm ra các loại nồi bằng đất ở xứ Nghệ, và cũng có thể là duy nhất trong cả nước còn làm các loại nồi bằng đất. Chính vì thế mà ngoài cái tên Trù Sơn, đây còn được gọi là làng "Nồi Đất".

Nung nồi đất ở Trù Sơn - Đô Lương.

Trù Sơn nằm trên diện tích 2089 ha, có 2150 hộ dân, 9648 khẩu và được chia làm 16 xóm. Là một xã thuần nông, nên làm gốm được coi là nghề phụ, tuy nhiên có thời kỳ nó đã trở thành nghề chính đem lại thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nơi đây. Không có tài liệu nào ghi chép lại một cách chính xác gốc tích của làng nghề nhưng theo như chuyện kể của những người cao tuổi trong xã thì nghề làm nồi đất ở đây xuất hiện từ thời nhà Trần, do một công chúa con vua Trần truyền dạy khi người dân vào đây khai hoang lập ấp.

Gốm ở Trù Sơn có lẽ là loại gốm còn giữ được những nét cơ bản nhất của gốm cổ. Không chỉ vì nó được làm thủ công mà ở đây trong từng khâu, từng công đoạn đều đơn giản, không cầu kỳ, sặc sỡ, tuy nhẹ, mỏng, nhưng khá cứng. Để có được loại đất ưng ý để về làm gốm, người Trù Sơn phải xuống Nghi Văn (Nghi Lộc) và lên tận Sơn Thành (Yên Thành), những nơi đó mới có loại đất sét có màu đỏ, dẻo và đẹp, thích hợp cho việc làm gốm.

Đất đã nhồi kỹ sẽ được cho lên bàn xoay để tạo ra những hình dáng thô sơ ban đầu của những chiếc nồi, chiếc siêu. Khi đã làm xong phần thô, những chiếc nồi sẽ được bàn tay khéo léo của người thợ gọt lại cho thật trơn và đem đi phơi nắng, sau đó sẽ được đưa vào lò nung.

Theo chị Lương Thị Kháng - một chủ lò gốm ở đây cho biết, để có được mẻ gốm đạt chất lượng, quan trọng nhất vẫn là khâu đun gốm. Một mẻ đun như vậy được khoảng 300 chiếc, sau khi được xếp vào trong một cái lò hình tam giác xây bằng đá o­ng, gốm được đun bằng lá bổi, lá thông, bên ngoài phủ một lớp rơm để giữ nhiệt. Sau khoảng 4 đến 5 tiếng đun liên tục, mẻ gốm sẽ hoàn thành. Tuy nhiên để cho gốm chín đều, không bị cháy hay non quá, mới là điều quan trọng, người thợ phải biết cách "xem lửa" để biết thời điểm nào là cần phải dừng đun.

Vì là nghề phụ nên gốm ở đây cũng được làm theo mùa. Hàng năm, cứ sau mùa gặt hái là người dân lại xắn tay lên làm gốm. Cũng có những hộ làm quanh năm, nhưng số lượng là không nhiều. Trung bình mỗi năm ở đây cũng chỉ có 5 tháng làm nghề.

Từ giữa những năm thập niên 90 của thế kỷ XX trở về trước, hầu hết trong xã, hộ nào cũng làm nồi đất. Thế nhưng càng về sau số hộ còn theo nghề cứ rơi rụng dần, đến nay chỉ còn khoảng 300 hộ làm. Chị Kháng còn cho biết, trước đây trẻ con cứ 7 đến 8 tuổi đã biết làm nồi, vì cũng khá đơn giản nên chỉ cần nhìn người lớn làm là có thể làm theo, lâu dần thành quen. Người thạo nghề, một buổi cũng làm được khoảng 20 chiếc. Bây giờ, chỉ còn chị em phụ nữ tranh thủ lúc nông nhàn làm nghề, cũng là để có thêm thu nhập, nhưng quan trọng nhất vẫn là để cái nghề truyền thống của cha ông không bị mai một đi.