Chín tháng năm 2014, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An vẫn còn gặp nhiều khó khăn do kinh tế chưa thật sự phục hồi, giá cả của các nguyên vật liệu đầu vào tăng cao như điện, gas, xăng dầu; bất động sản còn trầm lắng… đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Dưới sự lãnh đạo kịp thời của Tỉnh uỷ, chỉ đạo điều hành sâu sát của UBND tỉnh, sự phối hợp tích cực giữa các Sở, ban, ngành và nỗ lực của các địa phương, các doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện đồng bộ và quyết liệt các nhiệm vụ tỉnh và Quyết định số 405/QĐ-UBND về những giải pháp chủ yếu về chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An năm 2014, hoạt động công nghiệp thương mại của tỉnh 9 tháng năm 2014 đã đạt được những kết quả tích cực.
Về hoạt động công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 10,61% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12%; do một số doanh nghiệp mới đi vào hoạt động và dần ổn định sản xuất nên một số sản phẩm tăng cao (sữa, may mặc...), ngoài ra nhu cầu xây dựng tăng đột biến từ đầu năm nên một số sản phẩm ngành công nghiệp là nguyên vật liệu cho ngành xây dựng tăng mạnh (gạch, xi măng....). Sản xuất và phân phối điện tăng 3,89%. Ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý nước thải, rác thải tăng 9,89%. Công nghiệp khai khoáng tăng thấp 0,89% do đầu năm nhiều doanh nghiệp khai thác quặng thiếc vẫn chưa được cấp phép theo quy định của Luật khoáng sản 2010, Quặng Mangan tạm ngừng khai thác.
Một số sản phẩm công nghiệp có mức tăng so với cùng kỳ năm trước là: Sữa các loại đạt 89.053 nghìn lít tăng 267,55%; sản phẩm dệt kim 10,14 triệu chiếc, tăng 49,08%; đường kính 126.919 tấn, tăng 19,65%; sợi các loại 9.968 tấn, tăng 15,37%; bao bì 39 triệu bao, tăng 9,6%; gạch xây quy chuẩn 504,2 triệu viên, tăng 38,44%; xi măng 1.003,7 nghìn tấn, tăng 23,53%; điện sản xuất 1.724 triệu kwh, tăng 2,44%; bia các loại 143 triệu lít, tăng 5,78%; còn lại các sản phẩm khác có mức tăng thấp hơn và một số sản phẩm giảm như thiếc tinh luyện giảm 29,73%; dăm gỗ giảm 24,77%; phân NPK giảm 10,55%; gạch granite giảm 3,07%, thuốc lá điếu giảm 1,58%...
Với nhiều giải pháp được các ngành các cấp đưa ra, cộng với năm nay Nghệ An tăng công suất phát điện các nhà máy mới, sản xuất các sản phẩm sữa của công ty TH được đẩy mạnh... nên tình hình sản xuất công nghiệp năm 2014 của tỉnh nhà dự báo sẽ phục hồi và tăng trưởng.
Về hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu
Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 25.742,2 tỷ đồng, tăng 11,32% so với cùng kỳ năm 2013, bằng 69,57% so với kế hoạch năm 2014. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 năm 2014 tăng 0,3% so với tháng trước, tăng 3,5% so với tháng 12/2013.
Tổng giá trị xuất khẩu đạt 486,7 triệu USD, tăng 3,76% so với cùng kỳ 2013, bằng 93,6% so với kế hoạch năm 2014. Trong đó giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 283,8 triệu USD, tăng 9,55% so với cùng kỳ. Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng như: Hàng dệt may, hạt tiêu, hàng rau quả, đồ chơi trẻ em, sản phẩm gỗ...
Giá trị nhập khẩu ước đạt 271,8 triệu USD, tăng 16,81% so với cùng kỳ năm trước, tăng 8,71% so với kế hoạch năm 2014. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm phân bón, vải may mặc và phụ liệu, bông xơ sợi dệt...
Dây chuyền sản xuất tại nhà máy bia Sài Gòn - Sông Lam
Về công tác quản lý nhà nước
Ngành Công Thương tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ; Quyết định số 6037/QĐ-UBND ngày 16/12/2013 của UBND tỉnh Nghệ An về việc giao kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2014; Nghị quyết 26/2013/NQ-TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phướng hướng phát triển kinh tế-xã hội Nghệ An đến 2020.
Đối với công tác quản lý nhà nước về công nghiệp, Sở Công Thương đã phối hợp hoạt động giữa các ngành, địa phương trong chỉ đạo đầu tư và phát triển công nghiệp; Tiếp tục triển khai các giải pháp để xây dựng phát triển cụm công nghiệp theo Quyết định đã được phê duyệt. Chỉ đạo tốt công tác thực hiện đầu tư, cải tạo lưới điện theo đúng quy hoạch, đảm bảo cung ứng điện an toàn cho sản xuất và sinh hoạt; phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã và Công ty Điện lực Nghệ An, chỉ đạo việc bàn giao,tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn tại thành phố Vinh, Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Hưng Nguyên, Anh Sơn. Tính đến nay đã bàn giao cho 360 xã trên địa bàn, còn lại 45 xã chưa bàn giao. Phối hợp với Điện lực Nghệ An thành lập đoàn kiểm tra công tác an toàn lưới điện theo Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014; Kiểm tra chất lượng một số công trình điện theo quy định tại Nghị định số 15/2013/NĐ-CP. Tăng cường công tác quản lý về kỹ thuật an toàn môi trường và vật liệu nổ công nghiệp, hoạt động khoáng sản trên. Hướng dẫn, chỉ đạo, phổ biến việc áp dụng SXSH đến các doanh nghiệp SXCN trên địa bàn. Tham mưu UBND tỉnh quyết định hỗ trợ 64 đề án, với tổng kinh phí 3.999,7 triệu đồng, từ nguồn Quỹ khuyến công địa phương.
Đối với quản lý nhà nước về thương mại: Khảo sát, tham mưu cho chủ trương đầu tư xây dựng mới 6 địa điểm xây dựng cửa hàng xăng dầu và 01 cửa hàng nâng cấp, cải tạo; cấp mới, cấp đổi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho 20 cửa hàng xăng dầu, 11 cửa hàng khí đốt hóa lỏng, 01 Giấp phép bán buôn rượu, 01 giấy phép kinh doanh buôn bán thuốc lá, chấp thuận cho 32 chương trình khuyến mại may rủi, trị giá giải thưởng hơn 1,800 triệu đồng, tiếp nhận trên 3.700 thông báo thực hiện khuyến mại, trị giá giải thưởng trên 30 tỷ đồng. Chỉ đạo các công ty đầu mối, tổng đại lý thực hiện nghiêm túc Nghị định 84/2009/NĐ-CP, Thông tư 36/2009/TT-BCT về qui chế đại lý kinh doanh xăng dầu. Khảo sát, tham mưu lãnh đạo Sở ban hành chủ trương lập dự án đầu tư cho 03 chợ, nâng cấp, mở rộng 01 chợ và đề nghị cấp kinh phí xây dựng 01 chợ biên giới. Tham mưu ban hành văn bản Quyết định thu hồi giất phép, chấm dứt hoạt động đối với 03 Văn phòng địa diện của thương nhân nước ngoài tại Nghệ An.
Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chỉ đạo thực hiện chương trình đưa hàng Việt về địa bàn 04 huyện miền núi Thanh Chương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong và thị xã Thái Hòa. Chỉ đạo các đơn vị tổ chức 11 cuộc hội chợ trên địa bàn.
Quản trị Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Nghệ An đảm bảo hoạt động ổn định, an toàn và không ngừng phát triển, đến nay đã thu hút được hơn 135 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể đăng ký thiết lập 151 gian hàng với gần 2.000 sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, thu hút được trên 1,8 triệu lượt truy cập. Duy trì và cập nhật thường xuyên website Xúc tiến thương mại, website khuyencongnghean.com.vn. Phối hợp với đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An thực hiện 8 chuyên đề truyền hình Công Thương.
Cấp 1.070 giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho hơn 60 doanh nghiệp; tư vấn và hướng dẫn các quy trình, thủ tục cấp C/O bổ sung sửa đổi, đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm chi phí, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu.
Tổ chức trưng bày tài liệu, sản phẩm tiềm năng thế mạnh của tỉnh Nghệ An tại Hội nghị Gặp mặt các nhà đầu tư Xuân Giáp Ngọ 2014, Hội chợ Thương mại Quốc tế Festival Huế 2014 tại Thừa Thiên Huế. Tham dự Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại các tỉnh phía Bắc do Cục Xúc tiến Thương mại tổ chức tại thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Tổ chức Hội thảo: Diễn đàn thúc đẩy thương mại Hàn Quốc - Nghệ An; Tham gia Hội chợ Quảng Bình từ ngày 24-30/7/2014
Công tác Quản lý thị trường được chú trọng đã hạn chế nạn buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại góp phần ổn định tình hình thị trường, tạo điều kiện để phát triển sản xuất, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tổng số vụ kiểm tra 9 tháng năm 2014: 6.635 vụ; Tổng số vụ xử lý: 4.722 vụ; Tổng giá trị thu phạt: 7.390.549.000 đồng.
Quý IV năm 2014, ngành Công Thương tập trung chỉ đạo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2014. Phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12%; Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010): 29.500 tỷ đồng; giá trị sản xuất theo giá hiện hành: 39.500 tỷ đồng; Tổng mức bán lẻ hàng hóa: 37.000 tỷ đồng, tăng 17,27%; Tổng kim ngạch xuất khẩu: 600 triệu USD, trong đó: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa: 340 triệu USD. Kim ngạch nhập khẩu: 260 triệu USD./.
Phạm Hoài Đức
Tr.Phòng KHTC Sở Công Thương Nghệ An