Các bài thuốc từ bồ công anh, rau má, cam thảo đất, nước tỏi - nghệ... chữa cảm cúm hiệu quả. Đóng kín cửa, chưng cách thủy giấm ăn cho bốc hơi có thể phòng bệnh trong mùa cúm.
Bệnh cúm cũng là cảm mạo nhưng khởi phát đột ngột, lây nhiễm rất nhanh, tạo thành dịch bệnh nguy hiểm.
Triệu chứng bệnh là sốt cao (39-40oC), nhức đầu, đau nhức toàn thân, nghẹt mũi, sổ mũi, cổ họng đau rát, người bơ phờ, mệt mỏi. Có thể gây biến chứng ở hệ hô hấp và ở ruột.
Phép chữa: Sơ phong tuyên phế, giải độc, giải biểu.
Dược liệu: Sử dụng dược liệu giống như cảm mạo thông thường nhưng tăng liều lượng và gia thêm một vài vị thuốc có tính giải độc như bồ công anh 12-16g, kim ngân hoa 12-16g, thổ phục linh 12-16g, liên kiều 12-16g, chi tử 10-12g, rau má 10-12g, có mực 10-12g, cỏ mần trầu 8-10g…
Một số bài thuốc chữa bệnh cúm
- Lá húng chanh 10g, bạc hà 8g, kinh giới 10g, cối xay 12g, bạch chỉ 6g, kim ngân hoa 12g, cam thảo đất 12g. Nấu với 750ml nước, sắc còn 300ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.
- Rau má 12g, hương nhu 10, đậu ván (sao) 12g, bồ công anh 12g, kim ngân hoa 12g, kinh giới 10g, bạc hà 8g, lá dâu tằm 8g, cam thảo đất 10g, lức dây (cúc tần) 10g. Sắc uống như trên.
- Hoàng kỳ 16-30g, cam thảo bắc 4-6g. Đây đều là các thuốc có tác dụng tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể. Dùng hai vị này sắc cho bệnh nhân uống, kết hợp với uống Tamiflu theo phác đồ của Bộ Y tế. Khảo sát gần 100 trường hợp đều thấy bệnh nhân nâng cao được thể trạng, sức đề kháng tăng, hạ sốt nhanh, số ngày điều trị giảm, có chuyển biến sức khỏe tốt, không có trường hợp bệnh chuyển sang chiều hướng nặng.
Một số món ăn nên dùng khi bị cúm
- Nước tỏi - nghệ: Củ tỏi 30-50g, củ nghệ 10-20g, đường vừa đủ.
Tỏi bóc vỏ, củ nghệ gọt vỏ, rửa sạch. Hai thứ giã nhỏ, hòa với ít nước sôi, lọc lấy 50-100ml nước, thêm ít đường vào quậy đều, chia 2-3 lần cho uống vào lúc không no, không đói quá.
Có thể nấu gạo tẻ 50-100g thành cháo nhừ, cho nước tỏi - nghệ vào nấu sôi lại là được. Chia 2-3 lần cho ăn vào lúc đói bụng.
- Canh cải xoong - thịt lợn: Cải xoong (xà lách xoong) 100-150g, kinh giới 20-30g, gừng tươi 3 lát mỏng, thịt lợn nạc 50-100g. Gia vị nước mắm, muối, bột nêm.
Rau cải xoong nhặt kỹ rửa sạch, cắt ngắn. Rau kinh giới rửa sạch, cắt nhỏ. Gừng rửa sạch, giã nát. Thịt lợn nạc rửa sạch, xắt miếng mỏng, cho vào nước lạnh đun sôi, hớt bỏ bọt, nêm nếm gia vị vừa ăn. Cho rau vào đun sôi lại, bắc ra ngay. Múc ra bát, ăn nóng trong bữa cơm hoặc ăn không vào lúc đói bụng.
Một số món ăn có ích, giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể, trong thời gian có dịch cúm lưu hành
Canh đậu hũ chua cay
Đậu hũ 150g cắt sợi vừa, dùng nước sôi luộc sơ, vớt ra, ngâm nở 10g mộc nhĩ, 50g củ cải, 50g cà rốt, tất cả đề xắt sợi.
Đun sôi 150ml nước, cho mộc nhĩ, củ cải, cà rốt vào trước, đun tiếp, thêm muối, bột ngọt và 20ml giấm vào, sốt cho sền sệt mới cho đậu hũ vào, nấu chín, thêm hành, tiêu, dầu mè vào, ăn nóng.
Cháo vịt
Thịt vịt 150g, 100g gạo nếp, một ít rượu trắng, muối.
Cắt thịt vịt ra thành hột lựu, gạo nếp cho nước vào nấu cháo, sau đó cho thịt vịt, một ít rượu, muối vào nấu chín.
Cháo ý dĩ, bông atisô, đậu xanh
Ý dĩ 100g, đậu xanh 50g, bông atisô 150g, đường cát trắng.
Rửa sạch bo bo và đậu xanh, tách bông atisô thành từng cánh, lột bỏ lớp màng bên trong, rửa sạch. Cho một lượng nước vừa phải vào nồi, cho đậu xanh vào trước, nấu chín, tiếp đó cho thêm bo bo vào nấu gần chín thì cho thêm bông atisô vào, dùng lửa nhỏ nấu thành cháo, cho thêm ít đường là ăn được.
Súp ngân nhĩ
Ngân nhĩ (nấm tuyết) 5g, đường phèn 50g.
Ngâm ngân nhĩ trong nước ấm 30 phút, đợi khi nở đều, cắt bỏ phần cuống, loại bỏ tạo chất, đem xé thành từng miếng nhỏ, cho vào nồi sạch, thêm lương nước vừa phải, dùng lửa to đun sôi, hầm với lửa nhỏ 2-3 tiếng, cho đường phèn vào hầm đến khi ngân nhĩ nát ra mới thôi.
Súp sữa, vừng
Sữa bò 250g, vừng 25g, đường phèn 40g.
Xào vừng đế khi chín bốc mùi thơm rồi xay thành bột. Sau khi đun sôi sữa thì cho vừng, đường phèn vào khuấy đều. Súp sữa, vừng có tác dụng trợ tỳ ích vị, dưỡng âm thuần táo.
Củ năng xào thịt
Củ năng 200g, thịt lợn nạc 200g, dầu ăn, hành, gừng, rượu, muối, bột năng hoặc bột bắp.
Củ năng gọt vỏ, rửa sạch, cắt hột lựu, thịt nạc rửa sạch cắt hạt lựu. Trộn một ít muối, hành, gừng, rượu, bột vào thịt. Đun nóng chảo, cho dầu vào, đợi dầu sôi cho thịt vào, đảo đều, xào một lát rồi cho củ năng vào xào chín là được.
Nấm hương (nấm đông cô) ninh xà lách
- Nguyên liệu: Nấm hương 10g, xà lách (hoặc xà lách xoong) 100g, hành thơm 1 cọng, gừng 20g, dầu hào 2 thìa, muối, đường, bột năng.
- Cách làm: Nấm hương cắt bỏ cuống, rửa sạch, dùng dầu phi thơm hành, gừng rồi vớt ra, dùng dầu còn lại xào nấm tươi, rồi cho dầu hào, đường, muối vào đun sôi, sau đó dùng lửa nhỏ nấu cho thấm gia vị. Dùng bột làm sệt nước chấm, xà lách cắt miếng to, rửa sạch rồi dùng dầu xào chín, cho gia vị vào, xào xong ráo nước xếp vào mâm rồi cho nấm tươi xào lên trên.
Để phòng ngừa cảm cúm, cần lưu ý:
- Không để cơ thể quá mệt mỏi do sinh hoạt, lao động, vui chơi quá nhiều, nhất là khi gặp trời mưa to, gió lạnh hoặc nắng nóng.Cần ngủ đủ giấc, không để mất ngủ hoặc thiếu ngủ.
- Nên ăn uống đầy đủ, cân đối các chất dinh dưỡng. Chú ý ăn thường xuyên các loại thực phẩm có tác dụng nâng cao sức đề kháng, chống cảm cúm như: tỏi, hành tím, hành tây, đinh hương (giàu chất allicin), nghệ, gừng, mật ong, các loại rau thơm, các loại trái cây chứa nhiều khoáng chất, nhiều vitamin…
Giữ vệ sinh để phòng ngừa nhiễm cúm
Để phòng ngừa cúm, ngoài việc mang khẩu trang đúng cách, thì việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng ít nhất 20 giây sau khi tiếp xúc với các vật dụng nơi công cộng là rất cần thiết.
Nên sử dụng giấy lót tay khi sử dụng các vật dụng dùng chung với người khác như ly, chén, tay nắm cửa phòng, điện thoại công cộng…
Không dùng chung các dụng cụ vệ sinh cá nhân có thể là tác nhân truyền bệnh như khăn, bàn chải, dao cạo...
Ở trường hợp không có nước, có thể sử dụng các dung dịch chứa cồn có tác dụng diệt khuẩn để rửa tay.
Khi hắt hơi hay ho, cần phải che miệng, che mũi bằng khăn giấy rồi bỏ vào sọt rác, nếu dùng khăn vải thì sau đó phải rửa thật sạch. Nếu ho hay hắt hơi vào tay, phải lau rửa tay sạch sẽ.
Virus cúm có thể lây lan từ tay người này sang người khác do vậy lưu ý không dùng tay để dụi mắt, ngoáy mũi.
Tránh tiếp xúc với những người bị nghi ngờ nhiễm cúm, đặc biệt là những ngày đầu họ vừa có triệu chứng này. Nghỉ ngơi ở nhà nếu thấy có triệu chứng nhiễm cúm.
Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ và thường xuyên lau chùi, khử khuẩn bề mặt bàn ghế, vật dụng nơi ở và nơi làm việc.
Gặp mùa có dịch cúm, ngoài việc giữ gìn vệ sinh thân thể, vệ sinh môi trường, có thể phòng ngừa bằng cách đóng kín các cửa sổ, đổ khoảng 5ml giấm ăn + một ít nước vào 1 chén sứ rồi đem chưng cách thủy để hơi giấm bốc lên tỏa khắp căn phòng. Có thể cho hỗn hợp giấm + nước vào 1 nồi đất hoặc nồi thủy tinh, nồi inox, đặt trên một bếp điện để nấu cho bốc hơi. Ngày làm 2 lần vào lúc sáng sớm và lúc chiều tối. Các phòng ngừa này gọi là thực thố huân chưng, dễ làm, không tốn kém mà lại có hiệu quả tốt.