Lốp là một trong những sản phẩm đắt tiền nhất trên xe. Đối với một số loại xe ô tô, lốp chiếm 20 - 25% giá thành của xe. Lốp và vành tạo thành bánh xe nó đảm nhận chức năng chuyển động của ô tô. Trong quá trình chuyển động tiếp nhận các lực và mô men từ mặt đường lên và ngược lại. Lốp xe có vai trò hết sức quan trọng trong chuyển động có liên hệ chặt chẽ với việc nâng cao tốc độ, tiết kiệm nhiên liệu, bám tốt trên đường ..v.v. tức là liên quan đến tính an toàn và tính tiện nghi trong sử dụng. Vì vậy việc chăm sóc bảo dưỡng là hết sức cần thiết. Để làm được điều này cần phải biết những hư hỏng và nguyên nhân hay xảy ra làm biến đổi tình trạng kỹ thuật của lốp. Các hư hỏng chính làm lốp phải bỏ đi đó là lốp bị mòn, lốp bị rạn nứt, bị rách.
Lốp mòn có hai dạng là mòn đều và mòn không đều (mòn vẹt lốp):
Lốp mòn đều: Hoa lốp mòn đồng đều trên suốt bề mặt làm việc của lốp. Khi sử dụng đúng kỹ thuật thì lốp xe sẽ mòn ở dạng này. Lốp mòn đến một độ nhất định cần phải thay mới. Hiện nay, các hãng sản xuất đều sử dụng các vấu cao su làm chuẩn báo mòn, chuẩn báo mòn của lốp này có quan sát trên bề mặt rãnh hoặc rìa ngoài của hoa lốp có một vấu nhỏ cao su này. Khi thấy lốp mòn tới vị trí vấu này thì nên thay mới.
Hình 1: Vị trí các vấu cao su cảnh báo mòn
Lốp mòn không đều: Lốp mòn không đều ảnh hưởng rất lớn đến độ bám, độ ổn định của xe, khiến xe không đản bảo sự an toàn cần thiết. Hoa lốp bị mòn ở các vị trí khác nhau có thể mòn vẹt một phía (bên trong hoặc ngoài lốp), ở giữa, cả hai bên vai, mòn chéo hoặc mòn vẹt từng vị trí trên hoa lốp. Có thể phát hiện nhận biết bằng mắt thường những vị trí mòn này. Có nhiều nguyên nhân khiến lốp mòn nhanh và không đều có thể kể đến:
- Áp suất hơi lốp không đúng, quá cao hoặc quá non.
- Lắp đặt góc đặt bánh xe sai: độ chụm, độ nghiêng không đúng.
- Lốp mất cân bằng động.
- Chở hàng quá mức.v.v.
Hình 2. Các dạng mòn không đều của lốp
Lốp mòn vẹt một phía:
Hình 3. Lốp mòn lệch phía bên ngoài
Đặc điểm hoa lốp bị mòn lệch về một phía vai bên trong hoặc bên ngoài, phía bên kia không bị hoặc mòn ít hơn. Nguyên nhân là do góc đặt bánh xe góc Camber không đúng kỹ thuật. Góc Camber bị sai lệch có thể do mòn đệm khớp của càng treo, lỏng rô-tuyn, lỗi lắp giảm chấn hoặc do giá đỡ động cơ trượt khỏi vị trí và lệch về một bên. Lò xo hệ thống treo yếu hoặc gãy cũng làm sai lệch góc Camber.
Lốp mòn nhiều ở phần giữa (sống lốp):
Hình 4. Lốp mòn nhiều ở phần giữa
Đặc điểm hoa lốp mòn nhiều ở phần giữa lốp độ mòn này ít dần khi ra hai bên vai, khi duy trì áp suất lốp ở định mức thì thấy lõm ở giữa. Nguyên nhân do lốp bơm quá căng, duy trì trong thời gian dài.
Lốp mòn cả hai bên vai:
Đặc điểm dễ nhận biết nhất đó là quan sát hai bên vai lốp thấy hoa lốp mòn nhiều và độ mòn này giảm dần khi vào giữa lốp. Nguyên nhân do lốp bơm quá non, áp suất thấp hơn yêu cầu.
Lốp mòn vẹt từng vị trí trên hoa lốp:
Quan sát trên bề mặt lốp thấy có những vị trí mòn nhiều và mòn không đồng đều theo chu vi lốp, không theo quy luật nào cả. Nguyên nhân gây hiện tượng này trước hết là do sự chịu tải của lớp bố không đồng nhất trên chu vi lốp, do mất cân bằng khi bánh xe chạy ở tốc độ cao (lớn hơn 50 km/h). Có thể kể đến nguyên nhân do trục trặc kỹ thuật của hệ thống phanh gây nên khi phanh ngặt làm bó cứng và mài bề mặt hoa lốp trên đường. Với dạng mòn này lốp rất nhanh hỏng.
Mòn chéo:
Vết mòn không đều lệch góc so với hoa lốp của bánh xe. Nguyên nhân do đặt sai độ chụm bánh xe, mòn các đệm càng sau.
Lốp bị rạn nứt:
Các vết rạn nứt thường xuất hiện ở bề mặt khu vực hoa lốp và mặt bên của bề mặt lốp. Quan sát trên bề mặt hoa lốp và mặt bên của lốp ta sẽ phát hiện ra các vết nứt này. Với bề mặt bên của lốp thường xuất hiện các vết nứt chân chim chạy theo chu vi bề mặt lốp hoặc vết nứt hướng tâm, còn đối với trên bề mặt hoa lốp vết nứt dạng vết cứa rách do va chạm với vât cứng.
Hình 5. Vết nứt chân chim chạy dọc theo chu vi bề mặt lốp
Nguyên nhân dẫn đến các rạn nứt của lốp có thể là vật liệu cao su bị lão hóa khi chịu áp lực gia tăng đột ngột, do các va chạm mạnh trên nền cứng hoặc sử dụng lốp trong tình trạng thiếu áp suất hơi lốp.