Chi tiết bản tin
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUNG ĐÔ 55 năm, lửa thử vàng
Nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Công ty cổ phần TRUNGDO , tiến sỹ Nguyễn Quang Cung – nguyên vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) là người có nhiều năm am hiểu về các doanh nghiệp sản xuất và thị trường VLXD của nước ta đã có bài viết độc quyền trên www.trungdo.vn . Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đoc.

  Chắc mọi người còn nhớ, đã vài năm nay, khi Tết đến Xuân về trên các trang thông tin đại chúng người ta chỉ thấy tin mục giật gân về lãi suất ngân hàng này, lãi suất ngân hàng nọ, hay thưởng tết ở các ngân hàng bao nhiêu. Dường như, xã hội đã quên đi khái niệm cổ tức, lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Thay vào đó là danh sách, số lượng các doanh nghiệp thua lỗ, phá sản, nợ khó đòi, nợ xấu. Có ai biết rằng, giữa thành phố Vinh đầy nắng và gió, có Công ty cổ phần TRUNG ĐÔ , hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, từ khi cổ phần hóa đến nay vẫn cứ đều đặn trả cổ tức cho cổ đông từ 25%/năm trở lên, và năm 2012, khó khăn đến vậy, cổ đông vẫn bình thản đón nhận tin vui với con số 25% tròn trĩnh.

Với những nhà doanh nghiệp con số 25% thật có ý nghĩa và nói lên nhiều điều, nhất là vào thời điểm cực kỳ khó khăn hiện nay. Với TRUNG ĐÔ, thành công này là kết quả của quá trình phấn đấu liên tục 55 năm qua.

Ra đời trong bom đạn

Ra đời ngày 31 tháng 8 năm 1958, Công ty kiến trúc Vinh đã trải qua 5 lần đổi tên, ba lần đổi dạng để đến ngày 16 tháng 5 năm 2008 được chuyển thành Công ty cổ phần TRUNG ĐÔ. Năm lăm năm, nếm trải các thăng trầm của cơ chế, của lịch sử, những đổi thay về tổ chức, quản lý, những biến động của kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam, Trung Đô vẫn đứng vững.

Có thể nói rằng, những khó khăn, thách thức mà TRUNG ĐÔ vượt qua là một chặng đường lửa thử vàng.

Lúc mới thành lập Công ty kiến trúc Vinh có vẻn vẹn 4 kỹ thuật viên trung cấp mới ra trường, 10 cán bộ có trình độ sơ cấp, lực lượng lao động trực tiếp là những người chưa qua đào tạo làm thợ. Về trang bị kỹ thuật, thiết bị thô sơ nhưng phải đảm nhận những công việc rất lớn đòi hỏi kỹ thuật cao như xây dựng Nhà máy điện Vinh với công xuất 8MW, Nhà máy đường Sông Lam, Nhà máy ép dầu Vinh, trụ sở UBHC tỉnh Nghê An, Trường ĐH Sư phạm Vinh, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam – Ba Lan, doanh trại quân khu IV, Nhà máy xay Vinh,… Nói đúng hơn Công ty kiến trúc Vinh phải đảm nhiệm công việc xây dựng từ Thanh Hóa đến Vĩnh Linh.

Sau 6 năm thành lập, từ ngày 5/8/1964 Công ty Kiến trúc Vinh lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, mà dải đất miền Trung là chảo lửa. Cán bộ công nhân công ty phải vừa lao động vừa chiến đấu, đóng góp sức người, sức của cho cuộc chiến. Hàng trăm thanh niên công ty đã lên đường nhập ngũ. Người ở lại tập trung vào 2 trung đoàn tự vệ, 3 đại đội 12 ly 7 và lực lượng đông đảo trực chiến trên các công trường xây dựng. Hàng trăm thanh niên đã anh dũng hy sinh tại chiến trường và trên các công trường thi công. Trong khoảng thời gian từ ngày giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. đến lúc hiệp định Paris được ký kết, công ty đã phải tiến hành xây dựng 390 công trình lớn nhỏ, với 11 công trình quốc phòng, trong đó phải kể đến các công trình quan trọng như Bệnh viện quân khu IV, nhà máy cơ khí, nhà máy xi măng, chuyển nhà máy điện Vinh lên Vùng Tây Nghệ An sơ tán, nhà máy điện Hàm Rồng, công trường 280N…

Tháng 1/1973 sau khi hiệp đinh Paris về Việt Nam được ký kết, cán bộ công nhân Công ty lại phải lao vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, chuẩn bị mọi điều kiện về nhân tài vật lực, cơ sở vật chất, xây dựng đường lối phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước sau chiến tranh, đón dầu những thay đổi cơ bản trong đường lối phát triển kinh tế. Cũng chính trong thời kỳ này, Bộ Kiến trúc, chủ quản của Công ty đổi tên thành Bộ Xây dựng (1973) Công ty kiến trúc Vinh chuyển thành Công ty xây dựng Vinh, và sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 25/3/1976 công ty xây dựng Vinh được đổi tên thành Công ty xây dựng số 6 trực thuộc Bộ Xây dựng. Từ công ty kiến trúc sang công ty xây dựng đã đặt ra nhiều nhiệm vụ mới. Từ Công ty xây dựng Vinh thành Công ty xây dựng số 6 trực thuộc Bộ, chẳng khác nào con thuyền từ sông ra biển. Từ đây công ty phải mở rộng địa bàn hoạt động ra toàn quốc, phải gánh vác thêm nhiều nhiệm vụ mới. Để đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi, công ty đã phải xây dựng mô hình tổ chức mới. Các công trường trực thuộc công ty được chuyển thành xí nghiệp, xác lập tư cách pháp nhân và chế độ hạch toán của các đơn vị thành viên, khẳng định quy mô tổ chức sản xuất. Không chờ đến lúc trở thành công ty theo phiên hiệu của Bộ mà ngay sau khi hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, mở ra triển vọng hòa bình, giải phóng miền Nam, lãnh đạo công ty đã nghĩ ngay đến việc gấp rút đào tạo cán bộ, công nhân đủ về số lượng, giỏi về chuyên môn và bắt tay ngay vào việc xây dựng mới Trường công nhân xây dựng Vinh đóng tại Hưng Dũng, thay cho Trường công nhân kỹ thuật được xây dựng trong vùng sơ tán. Công ty cũng gấp rút đào tạo tuyển chọn cán bộ công nhân thuộc nhiều lĩnh vực khác như cơ khí sửa chữa, xe máy thi công, cung ứng vận tải, lắp máy, điện nước, sản xuất VLXD. Đến đầu năm 1975 công ty đã đào tạo hơn 1.000 công nhân kỹ thuật các loại, và đưa lực lượng công ty lên 3.000 người lao động, gấp rút đào tạo thêm 1.500 công nhân, 40 kỹ thuật viên trung cấp. Công ty đã thành lập phân hiệu 2 Hoàng Mai đào tạo công nhân, cử nhiều cán bộ, công nhân theo học đại học, chuyên tu, tại chức tiếp nhận hàng chục kiến trúc sư, kỹ sư nhiều lĩnh vực của ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp,VLXD, cấp thoát nước, trắc địa, điện động lực, cơ khí, vật lý kiến trúc,… được đào tạo chính quy trong và ngoài nước.

Nhờ có chính sách đúng về việc tăng cường lực lượng con người, với cách chỉ đạo sáng suốt nên trong giai đoạn mới này công ty đã tham gia xây dựng nhiều công trình quan trọng như Trụ sở chính phủ cách mạng lâm thời công hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ. Quảng Trị (1973), bệnh viện đa khoa Quảng Trị, nhà A5, A6 khu Quang Trung thành phố Vinh do CHDC Đức viện trợ, công trình mở rộng Nhà máy điện Vinh, Nhà máy đường, Nhà máy giấy Sông Lam. Cũng chính trong giai đoạn này Trung Đô đã phải đương đầu với với những công nghệ mới như đảm nhận vai trò Ban kiến thiết xây dựng Nhà máy xi măng Hoàng Mai, một công trình mà Công ty đã dồn bao công sức, tâm huyết, tiền của xây dựng các cơ sở hạ tầng nhưng cuối cùng công trình bị dừng lại do cuộc chiến tranh biến giới phía Bắc nổ ra, để rồi Công ty xây dựng số 6 trở thành “tay trắng”. Vượt qua mất mát, cán bộ công nhân Công ty lại lần lượt lên đường, tăng cường cán bộ cấp huyện cho các tỉnh biên giới phía Bắc, tham gia xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình, vượt hàng ngàn cây số đến với Kiên Giang thành lập cả xí nghiệp với hơn 300 cán bộ công nhân tham gia xây dựng nhà máy xi măng Hà Tiên mở rộng. Công ty đã biệt phái cả một đội xây dựng với 150 người tham gia xây dựng thủy điện Trị An. Năm 1992 Trung Đô đã là nhà thầu chính thi công Trạm bù điện 500 KV Hà Tĩnh và các hạng mục khác thuộc đường dây 500KV tại những vị trí khó khăn, hiểm trở nhất miền Trung.

Thử lửa trong cơ chế thị trường

Những tưởng thử thách của người xây dựng trong thời kỳ chiến tranh phá hoại là không gì có thể sánh nổi, nhưng chỉ qua một vài công trình, một vài năm đầu của công cuộc đổi mới, người TRUNG ĐÔ đã cảm nhận được sự khốc liệt của cuộc chiến cạnh tranh trong cơ chế thị trường.

Từ đây TRUNG ĐÔ phải đối mặt với nhiều công nghệ mới đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, năng lực chỉ huy, tính toán giải pháp cho từng dự án và phải làm quen với việc đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa ngành nghề, đa dạng hóa sở hữu. Trung Đô phải chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng với nhiều đối tác trong và ngoài nước kể cả với các doanh nghiệp vốn lớn xuyên quốc gia. Phải huy động sức mạnh tổng hợp cả tiềm lực con người, trang thiết bị, vốn, tổ chức, tư vấn, xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược để biến một công ty xây dựng dân dụng đơn thuần sang xây dựng công nghiệp điện, xi măng, giao thông. Cũng với sự phát triển của cả nền kinh tế, TRUNG ĐÔ phải phân bổ nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh VLXD và không thể đứng ngoài cơn lốc bất động sản.

Sự trưởng thành của TRUNG ĐÔ đã được Bộ chủ quản ghi nhận và từ 01/9/1995 công ty chính thức trở thành thành viên của một tổng công ty xây dựng lớn, Tổng công ty xây dựng Hà Nội, đánh dấu sự trưởng thành, kết thúc 37 năm với tư cách là một doanh nghiệp trực thuộc Bộ. Thế và lực thay đổi, thành công cũng nối tiếp thành công. Sau những dự án đầu tay, TRUNG ĐÔ cũng đã trở thành doanh nghiệp chấp nhận cạnh tranh thị trường và là nhà thầu hàng loạt công trình lớn như điện Hà Giang, nhà máy đường Nghệ An Tate & Lyle, Shell bitum Cửa Lò, Đại học Vinh, trường công nhân kỹ thuật Việt Hàn, công viên nước Đà Nẵng, hàng chục trường học kiên cố từ Nghệ An đến Khánh Hòa, thuộc dự án ODA Nhật Bản, Đài tiếng nói Việt Nam tại Cần Thơ, trụ sở Bảo hiểm xã hội của các tỉnh Bình Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, đường Lý Thường Kiệt thành phố Vinh, đường Nghèn - Đồng Lộc tỉnh Hà Tĩnh. Nhờ trang bị thiết bị hiện đại, kỹ thuật thi công tiên tiến, Trung Đô đã đảm nhận thi công những công trình kết cấu phức tạp, quy mô lớn như kho nguyên liệu thô, tháp làm mát, nhà nghiền than Nhà máy xi măng Nghi Sơn và đặc biệt là Tháp trao đổi nhiệt bằng kết cấu bê tông cốt thép toàn khối cao gần 100 m của Nhà máy xi măng Hoàng Mai.

Là nhà thầu thi công giỏi, TRUNG ĐÔ không tự thỏa mãn với một ngành nghề “độc canh” mà đã tính toán để trở thành một nhà sản xuất kinh doanh VLXD có đẳng cấp. Trên cơ sở xí nghiệp gạch ngói Nam Giang được sáp nhập vào công ty năm 1965, nhà máy gạch Đức Thuận, Hoàng Mai được đầu tư, công ty đã đi thẳng đến việc áp dụng công nghệ lò nung tuynen cho 3 dây chuyền mới của Hoàng Mai, Nam Giang, Hồng Lĩnh và quyết định lựa chọn đầu tư công nghệ chủ lực tiên tiến mang tính thời đại là sản xuất gạch granit nhân tạo. Và ngày 20/11/2002 gach Granite TRUNG ĐÔ đã chính thức xuất hiện trên thị trường miền Trung Việt Nam. Từ kết quả sản xuất kinh doanh dây chuyền 1 với công suất 1,5 triệu m2/năm, năm 2008 công ty đã đầu tư dây chuyền 2 đưa tổng công suất nhà máy lên 3,5 triệu m2/năm và cũng chính trong năm đó dây chuyền sản xuất ngói gốm sứ tráng men, được đầu tư lần đầu tiên ở Việt Nam theo công nghệ Italya của Trung Đô đã cho ra những lô sản phẩm làm hài lòng khách hàng. Hiện nay Trung Đô là đơn vị cung cấp bê tông thương phẩm hàng đầu ở thành phố Vinh. Nhờ nhạy bén với sự thay đổi thị hiếu, thị trường và sự tập trung cao độ cho việc thay đổi mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc, hoa văn, chất lượng, nên Granite TRUNG ĐÔ , cùng với các sản phẩm VLXD khác tạo nên mảng sáng trong bức tranh nhiều màu của Công ty. Granite là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Trung Đô đến nhiều nước trên thế giới.

Cần phải nói thêm rằng làm nhà thầu xây dựng trong cơ chế thị trường cạnh tranh là vất vả, hiệu quả không cao “ráo mồ hôi là hết tiền”. May thay vào những năm cuối thế kỷ XX, khi thị trường tiêu thụ VLXD của TRUNG ĐÔ tăng mạnh, báo hiệu sự sôi động của thị trường Bất động sản. TRUNG ĐÔ nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, giảm tỷ trọng xây dựng với tư cách nhà thầu, tăng phần xây dựng cho dự án bất động sản mà TRUNG ĐÔ là chủ đầu tư dự án KĐT mới Nam Nguyễn Sỹ Sách tại thành phố Vinh. Đây là dự án “gặp thời” tạo cho công ty chuyển đổi ngành nghề, tăng năng lực quy hoạch, thiết kế, thi công, tạo nguồn thu và tạo ra cơ hội để công ty xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp và xây dựng trụ sở mới công ty đoàng hoàng hơn. Dự án BĐS Nam Nguyễn Sỹ Sách là bằng chứng sinh động về khả năng nắm bắt thời cơ và khả năng điều hành của công ty trong lĩnh vực mới. Dự án đã góp phần làm thay đổi diện mào của thành Vinh yêu dấu.

Vững bước trên thế chân vạc đa dạng hóa ngành nghề: nhà thầu xây dựng – nhà sản xuất VLXD – nhà đầu tư BĐS, TRUNG ĐÔ tiếp tục tiến bước trên con đường đa dạng hóa sở hữu, hòa vào trào lưu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Thử thách của chiến tranh, thử thách của cạnh tranh thị trường, rồi đến xử lý hàng loạt vấn đề gai góc của cổ phần hóa TRUNG ĐÔ mới thấu hiểu hết những khó khăn mà mỗi doanh nghiệp phải vượt qua.

Bước tiến ngoạn mục

Để có dấu mốc ngày 22/2/2006, khi Công ty xây dựng số 6 chính thức trở thành công ty cổ phần với vốn điều lệ 13 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 50,1% và sau đó tiếp tục tăng vốn điều lệ, giảm tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ là 32,57% và đạt được thành quả như ngày hôm nay, TRUNG ĐÔ đã nếm trải vị đắng và giải quyết những phức tạp khôn lường. Cổ phần hóa là một cuộc chuyển đổi sở hữu, động chạm đến quyền của một bộ phận lao động, là giải quyết tình trạng lao động dôi dư và nhiều vấn đề liên quan đến nhận thức của người trong cuộc, trong bối cảnh cơ chế chính sách, phương thức chỉ đạo chưa thật hoàn chỉnh.

Năm lăm năm ra đời, phát triển của CÔNG TY CỔ PHẦN TRUNG ĐÔ là một bức tranh mà các mảng sáng dần dần xóa đi bóng tối, phản ánh sự tương đồng với nhiều doanh nghiệp cùng thời, nhưng có những nét rất riêng, mà chỉ tìm thấy ở TRUNG ĐÔ. Buổi ban đầu, Công ty kiến trúc Vinh sinh ra, hoạt động theo kiểu “tay không bắt giặc”, thiếu vốn, thiếu nhân lực, thiếu thiết bị, thiếu công nghệ và thiếu cả kiến thức quản lý điều hành. Hành trang duy nhất là nhiệt tình và khát vọng vươn lên. Thực ra, khát vọng là cái mà thượng đế ban cho mỗi con người, nhưng, có lẽ, cái nóng rát bỏng mùa hè, mưa dầm thối đất mùa đông đã hun đúc nên sức chịu đựng kiên cường và sức dướn vượt qua khó khăn của con người miền Trung. Không chỉ có nhiệt tình, khao khát được làm việc, khao khát vươn lên cuộc sống khá giả hơn, tốt đẹp hơn, người TRUNG ĐÔ luôn biết chấp nhận thử thách và tìm mọi cách để vượt qua, cái gì mà người ta làm được thì mình cũng phải làm được. Có lẽ, cái khắc nghiệt, cằn cỗi của khí hậu và dải đất miền Trung đã tạo nên những con người Trung Đô biết chắt chiu, dành dụm. Chắt chiu từng đồng vốn, chắt chiu từ những thành công nhỏ nhoi để rồi làm cho nó lớn lên, lớn lên mãi. Như bao doanh nghiệp khác, trong 55 năm tồn tại và phát triển của mình Trung Đô nhiều lần “vấp” nhưng không “ngã”. Để có thể đứng vững như vậy, cần nhiều tố chất của cả tập thể và đặc biệt là của người lãnh đạo, trong đó phải nói đến thói quen, được hình thành từ gian khó, thói quen tính toán bước tiến phải đề phòng bước lùi, thói quen “liệu cơm gắp mắm”, trong hoàn cảnh nào cũng phải biết lượng sức mình. Cơn lốc bất động sản đã đưa bao nhiêu doanh nghiệp, doanh nhân bay bổng lên đến trời xanh, nhưng BĐS cũng đã dìm họ xuống sâu, ngắc ngoải , kêu cứu. Trung Đô cũng nhìn thấy những viễn cảnh tuyệt vời do dự án đầu tư BĐS mang lại, và cũng đã lao mình vào trào lưu đó. Trong men say nồng của chiến thắng, lãnh đạo TRUNG ĐÔ cũng đã mường tượng nhìn thấy đồ thị hình sin của lĩnh vực này, và do đó họ đã biết dừng đúng lúc và thoát ra khỏi vùng xoáy. Biết đi, biết chạy, biết tăng tốc nhưng cũng phải biết dừng đúng lúc. Để vượt qua muôn vàn gian khó, vượt qua những thử thách khác nhau, ngoài sức mạnh của cả tập thể, không thể không nói đến vai trò của tập thể lãnh đạo.

Cái tâm và sự nhạy bén của những người đứng mũi chịu sào là nhân tố quyết định. Tạo nên sự đồng thuận trong lãnh đạo, trong cả cộng đồng là tạo nên sức mạnh. Để có được sự đồng thuận cần công khai, minh bạch, làm rõ trách nhiệm của từng thành viên và phải biết chia sẻ quyền lợi. Nếu không tạo sự đồng thuận thì Trung Đô không thể hoàn thành việc cổ phần hóa doanh nghiệp. Người TRUNG ĐÔ biết đón nhận thời cơ, không vồ vập, chộp giật mà có tính toán. Họ hiểu rằng “trong hoa hồng bao giờ cũng có gai”. Mỗi một thời kỳ phát triển có những đòi hỏi riêng. Nếu như trong chiến tranh thì lòng dũng cảm, ý chí quyết thắng là yêu cầu cơ bản nhất, xây dựng trong cơ chế thị trường thì bắt buộc phải có đủ nguồn lực , phải chuẩn bị đội ngũ cán bộ công nhân, chuẩn bị vốn, thiết bị, công nghệ phải xây dựng thương hiệu, tạo dựng uy tín và phải biết hợp tác nghiên cứu rất kỹ thị trường mà trước hết là thị hiếu, thị trường miền Trung. Phải đầu tư công nghệ cao, và thường xuyên đổi mới mẫu mã, kiểu dáng, hoa văn sản phẩm. Họ hiểu rằng thời gian “ăn khách” của mỗi kiểu dáng, chủng loại sản phẩm là có hạn. Khi sản phẩm này đang tiêu thụ tốt đã phải nghiên cứu, tạo sản phẩm khác gối đầu. Thị trường trong nước đã khó tính, thị trường nước ngoài còn phức tạp hơn. Chính vì vậy trong những năm gần đây nhà máy Granite TRUNG ĐÔ cho ra lò các sản phẩm mới như gạch hạt nổi, ngói nóc tráng men bằng phương pháp ép dẻo ,.. sau một thời gian dài nghiên cứu Nhà máy đã sản xuất thành công viên Ngói gốm sứ tráng men Nữ hoàng (model Thái lan) . Đây là sản phẩm đầu tiên và đánh dấu bước đột phá về công nghệ sản xuất ngói gốm sứ của Việt nam.

Ai cũng thừa nhận rằng mảnh đất miền Trung tạo ra nhiều người giỏi. Nhưng người tài miền Trung từ thế hệ này đến thế hệ khác đều lần lượt ra đi, tìm đến những nơi có nhiều điều kiện để thi thố tài năng như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hoặc xa hơn nữa. Chính vì vậy Trung Đô đã tốn bao công sức, tạo ra cơ chế để có được đội ngũ có năng lực, có bản lĩnh và có tâm huyết với công ty.

Có thể nói rằng TRUNG ĐÔ không phải là doanh nghiệp lớn nhưng là doanh nghiệp mạnh. Mạnh vì công ty luôn đứng vững và tiếp tục phát triển trong mọi hoàn cảnh thử thách. Có lẽ, sự thành công của những doanh nghiệp như TRUNG ĐÔ sẽ là tiền đề để chúng ta tìm đến giá trị đích thực và chuẩn mực doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không tích lũy vốn, tạo cho mình nguồn vốn ngày một lớn lên thì kể cả những dự án mình làm chủ đầu tư cũng vẫn là người làm thuê, lợi nhuận chủ yếu người khác hưởng. Ngay cả việc đầu tư trang thiết bị phải xuất phát từ nhu cầu của sản xuất, phải phát huy tối đa công suất thiết bị, hoặc khi cần có thể thuê mướn, hợp tác với các đối tác khác. Đối với doanh nghiệp, thì hiệu quả là ưu tiên hàng đầu, với nhà thầu thì phải đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn, hiệu quả. Sản xuất kinh doanh phải chiếm lĩnh thị trường, giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Không thể xây dựng một doanh nghiệp mà vốn đi vay, thiết bị mua sắm thật nhiều, thời gian sử dụng ít. Trung Đô không đi theo hướng “tạo dáng” hoành tráng mà trong lòng trống rỗng.

Với những gì mà TRUNG ĐÔ đạt được trong 55 năm qua được chính người Trung Đô cảm nhận, được bạn bè, đồng nghiệp đồng tình và những thành quả đó cũng đã được các cấp các ngành khích lệ, được Đảng, Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý. Với 26 huân chương các loại, 1 bằng khen của Hồ Chủ tịch, 1 bằng khen của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, một cá nhân được phong tặng danh hiệu anh hùng lao động, nhiều bằng khen, cờ thi đua của Chính phủ, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng, công đoàn XDVN, và UBND các địa phương đã khẳng định những cống hiến to lớn của lớp lớp cán bộ công nhân viên lao động của Công ty qua các thời kỳ.

Sự phát triển của TRUNG ĐÔ bài học cho chính mình đồng thời cũng là kinh nghiệm tham khảo cho nhiều doanh nghiệp khác.

Phía trước còn nhiều thời cơ và thách thức, hy vọng rằng với bản lĩnh, tư duy và kinh nghiệm thu được trong 55 năm qua sẽ giúp TRUNG ĐÔ tiếp tục gặt hái những thành công mới to lớn hơn nữa.

Bài viết mới
Công ty CP TRUNGDO - Tồn tại và phát triển trong bối cảnh kinh tế khó khăn
Công ty Cổ phần TRUNGDO hoàn thành tốt nghĩa vụ nộp thuế năm 2011
Công ty Cổ phần TRUNGDO Triển lãm Vietbuild TP HCM 2012
Cùng danh mục
Công ty CP TRUNGDO - Tồn tại và phát triển trong bối cảnh kinh tế khó khăn
Công ty Cổ phần TRUNGDO Triển lãm Vietbuild TP HCM 2012
Công ty Cổ phần TRUNGDO hoàn thành tốt nghĩa vụ nộp thuế năm 2011