Nghề trồng dâu nuôi tằm ươm tơ kéo sợi (TDNT-UTKS) đã trở thành nghề truyền thống gắn bó lâu đời với bà con nhiều địa phương trong địa bàn tỉnh, trong đó Anh Sơn và Đô Lương là những nơi đi đầu trong việc phục tráng và phát triển nghề này.
Làng nghề dâu tằm tơ Xuân Như (Đặng Sơn - Đô Lương) thời điểm này đang vào độ tằm xuân. Các gia đình khá bận với công việc của mình trong từng cung đoạn để cho ra sản phẩm.Thường cứ vào đầu tháng giêng bà con đã nhận được những vòng trứng kén theo như đã đăng ký để chuẩn bị nuôi thành con kén.Vòng quay mùa hè cho một con kén là 23 ngày nhưng mùa đông có thể phải 30 đến 35 ngày.
Việc nuôi dâu để cho lá cũng được bà con chuẩn bị kỹ lưỡng bằng cách đốn dâu từ độ cuối năm trước để có thể cho những lá dâu mới như ý cho nuôi tằm vụ đầu xuân năm sau. Chủ nhiệm HTX DV dâu tằm Xuân Như - Trần Văn Ngà cho biết: "Hàng năm vào dịp tháng 1 dương lịch anh đã cùng đoàn trong hiệp hội của tỉnh ra tận Hà Nam đăng ký mua trứng kén, riêng nhu cầu của các hộ trên địa bàn Đô Lươngđã khoảng 9000 vòng trứng, năm ít cũng 7000 vòng với giá 75.000đồng/vòng trứng kén.
Số lượng vòng trứng này về được cung phát cho bà con nhân dân các xã trên địa bàn như Nam-Bắc-Đặng-Ngọc-Lam-Bồi-Thuận-Lưu-Trung Sơn. Riêng gia đình anh cũng đã thâm niên trên 20 năm gắn bó với nghề. Mỗi năm gia đình anh sản xuất cũng đạt 12-13 tấn kén, 1,7 đến 1,8 tấn tơ. Thị trường ổn anh thu về lãi ròng cũng không dưới 50 triệu đồng. Nhờ SXKD dâu tằm tơ anh đã tạo việc làm cho gần 7 lao động với mức thu nhập 75000đồng/ngày công".
Hơn 10 năm theo bám với nghề TDNT-UTKS gia đình anh Trần Đức Cương hiện có trong nhà 8 chiếc máy mi ni với đủ các loại như máy đảo, máy ươm tơ nhỏ, máy ươm tơ lớn bán dệt thổ cẩm. Mỗi năm anh cũng thu hoạch gần 10 tấn kén, 1 tấn tơ. Thời điểm này đã hơn 2 ngày vào mùa kéo sợi, các thành viên gia đình anh bộn bề trong từng chiếc máy, trong từng cung đoạn.
Ngược lên Anh Sơn ghé thăm làng nghề dâu tằm tơ xóm 6 xã Tường Sơn, hiện bà con đang chuẩn bị cho thu hoạch lúa tằm kén đầu tiên. Xóm 6 hiện có trên 45 hộ nuôi tằm, 30 hộ trồng dâu trong dự án, 15 hộ trồng dâu trên vườn nhà, đất khai hoang phục hoá...xóm hiện có 4 xưởng chế biến ổn định mỗi năm thu mua cho bà con gần 3tạ tơ.
Chị Nguyễn Thị Hương đã gần 15 năm sống bằng nghề ươm tơ tằm, có năm giá kén ổn định, đảm bảo, thuận trời thu hoạch mỗi năm 6 đến 7 lứa kén, mỗi yến kén cũng thu về gần triệu bạc. Nhờ phát huy vai trò trong SXKD từ làng nghề, đến nay cả Tường Sơn có đến 140 hộ TDNT, 7 tổ hợp ươm tơ hoạt động với 73 lao động ươm tơ mỗi năm thu hoạch sản lượng gần 2 tấn tơ và khoảng 8-12 tấn kén.
Trong những năm qua, để duy trì và phát triển nghề truyền thống TDNT-UTKS tại Anh Sơn và Đô Lương, một số cơ chế của tỉnh, huyện và chính quyền địa phương đã hỗ trợ cho làng nghề phát triển. Đó là chính sách hỗ trợ giống dâu mới cho bà con trồng như các giống UH13, Phú Nông 12, UH17, Sa Nhị Luân tại Đô Lương, hỗ trợ cung ứng vùng trứng kén và hướng đầu ra tiêu thụ sản phẩm cho bà con, chính sách quy hoạch phát triển đất trồng dâu tằm tơ tại hai huyện, chính sách hỗ trợ đường làng nghề tại xóm 6 Tường Sơn...
Đến nay toàn huyện Anh Sơn đã quy hoạch được gần 30 ha dâu tằm hàng năm với 150 hộ nuôi tằm bình quân cho sản lượng kén 15-18 tấn. HTXDV làng nghề Xuân Như tại Đặng Sơn (Đô Lương) mỗi năm thu mua trên 100 tấn kén tằm, sản xuất 13 tấn tơ, Hàng năm HTX còn thu mua khoảng 80-85% lượng kén từ các làng nghề ươm tơ tại Anh Sơn, Thanh Chương, Nghĩa Đàn...doanh thu trên 2tỷ đồng/năm, bình quân thu nhập 10 triệu đồng/người/năm.
Hiện huyện Đô Lương đã quy hoạch trên 348 ha dâu tằm tại các địa bàn ven sông như Thuận- Lưu-Nam-Bắc-Đặng-Lam Sơn. Huyện đang trên đà quy hoạch đến 2015 có 500 ha dâu thuần phục vụ cho SXKD tơ tằm trên địa bàn.
Tạo động lực
PCT UBND xã Tường Sơn-Anh Sơn bộc bạch: bản thân cũng tâm huyết và gắn bó với từng bước đi của nghề SX dâu tằm tơ trên địa bàn huyện. Song một thực tế thời gian vừa qua là "thả nổi" làng nghề cho các xưởng trên địa bàn quản lý. Từ thời điểm những năm 1992 từ giai đoạn nuôi tằm kiểu tự phát, nhập bán sản phẩm kén tại Đô Lương, cho đến khi HTX NN đứng ra tổ chức sản xuất dâu tằm tơ, năng suất sản lượng kén thấp.
Đến 1997 làng nghề được củng cố và quản lý dưới hình thức bán dự án dâu tằm xã. Đến 2002 đây là giai đoạn nghề TDNT-UTKS trên địa bàn phát triển mạnh, bình quân thu nhập đầu người gần 1,8 triệu/hộ/năm.
Năm 2003 giá kén giảm mạnh, tiêu thụ ít, diện tích dâu giảm từ 40ha xuống còn 20 ha. Địa phương chủ động giao cho 6 xưởng trên địa bàn làm chủ đầu tư hỗ trợ dân về trứng kén, và tiêu thụ sản phẩm. Nhưng thực tế các xưởng không làm được một phần do thị trường bấp bênh, các xưởng thiếu sự thống nhất trong tổ chức nuôi tằm và tiêu thụ, dẫn đến tình trạng cạnh tranh, ép giá kén.
Trước thực trạng này UBND xã Tường Sơn đã tổ chức hội nghị nông dân TDNT trên địa bàn vào tháng 3-2011 có122/140 hộ TDNT nhằm tổ chức lại hoạt động dâu tằm trên địa bàn. Giao cho ban NN xã chủ trì, quản lý điều hành bãi bỏ việc các xưởng làm chủ đầu tư.
Ban NN xã chịu trách nhiệm quản lý đất Dự án dâu tằm để sử dụng đúng mục đích, đồng thời cung ứng trứng tằm và chủ trì tiêu thụ sản phẩm cho dân. Xã đã hoàn thành hợp đồng với Liên hiệp Dâu tằm tơ Tỉnh trong việc đảm bảo giá kén ổn định 90.000 đồng/kg cho dân (mức giá cao nhất từ trước tới nay tại làng nghề)
Tại Đô Lương chủ nhiệm HTX DV Xuân Như cho biết thêm: Giá cả kén và tơ tằm từ trước tới nay vẫn phụ thuộc và trôi nổi trên thị trường. Có những thời điểm giá kén ổn định, sản phẩm bán cho thương lái Bắc Giang, Hà Tây, Nam Định dễ dàng. Ngược lại chế biến tơ có lúc hàng đọng 1 đến 2 năm, nhà nhiều 1 tấn, nhà ít cũng 3 tạ tơ tồn là chuyện thường. Điều này làm cho tâm lý của người dân không ổn định thiếu sự gắn bó sâu đậm với nghề.
Ở Đô Lương hiện có gần 80 máy, Anh Sơn 17 máy mini được sử dụng trong SXKD dâu tằm tơ, song phần nhiều lịch sử các loại máy được kế thừa gần 20 năm về trước, đã trở nên cũ kỹ, lạc hậu nên ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm để theo kịp thị trường trong SXKD.
Quan tâm, hỗ trợ tìm hướng đầu ra cho sản phẩm và những sự quan tâm kịp thời tới đời sống bà con làng nghề sản xuất dâu tằm tơ thực sự là động lực lớn để làng nghề truyền thống TDNT- UTKS phát triển.
Tác giả bài viết: Lương Mai
Nguồn tin: Báo Nghệ An