Cửa Lò là nơi được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nhiều danh lam thắng cảnh. Với thế đất “lưỡng long triều châu”, mảnh đất này được xem là viên ngọc xanh của biển Đông với nhiều nét văn hóa, lịch sử và huyền tích kỳ bí…
Vùng đất của danh thắng và huyền tích
Cửa Lò là vùng đất được hình thành và khai phá từ sớm, ở vào vị trí địa lý giao thông thủy bộ đều thuận tiện, lại là nơi có nhiều danh lam thắng cảnh. Mảnh đất nằm giữa hai con sông lớn là sông Lam ở phía Nam và sông Cấm ở phía Bắc, còn phía trước mặt là biển Đông rộng lớn. Trông về phía xa, bên phải là núi Thạch Động vươn cao, còn bên trái có đảo Song Ngư và Hòn Mắt trông về. Các ngọn núi như Bảng Nhãn, núi Kiếm, núi Lò, hòn Song Ngư đều chầu xung quanh làm bình phong che chắn… Chính vì vậy, Cửa Lò có một vị trí hết sức đắc địa, cảnh trí vô cùng tươi đẹp. Đặc biệt, vùng Vạn Lộc được xem là danh thắng Nghệ An, đi vào câu nói đầy tự hào có từ bao đời: “Thanh Hóa Nho Yên, Nghệ An Vạn Lộc”. Hiếm có nơi nào có được sự quần tụ của núi sông, bao bọc của biển cả như ở đây. Vì vậy, đây được xem là mảnh đất non sông tụ khí, hun đúc tinh anh. Đúng như người xưa đã từng ca ngợi:
Hồng Lĩnh sơn cao
Song Ngư hải khoát
Nhược ngộ minh thời
Nhân tài tú phát
(Hồng Lĩnh non cao
Song Ngư bể rộng
Nếu gặp thời sáng
Nhân tài đua phát)
Cửa Lò còn là mảnh đất gắn với nhiều huyền tích. Nơi đây từng là nơi lưu lại dấu chân của hai người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ trên con đường sinh cơ lập nghiệp. Để không quên nguồn gốc và ghi nhớ công ơn cha mẹ, họ đã lập ra đền thờ tại cửa biển, chính là tiền thân của ngôi đền Cửa thờ quốc mẫu Âu Cơ tại Nghệ An ngày nay. Hay như Bãi Lữ tương truyền là nơi An Dương Vương được rùa vàng rẽ nước đưa xuống biển. Huyền tích về sự hình thành đảo Mắt gắn với câu chuyện nàng Tố Nương mỏi mắt trông chồng. Thời thuộc Đường, Vương Bột – một trong bốn nhà thơ kiệt xuất của thời Sơ Đường dong thuyền vượt biển qua nước ta thăm cha. Thuyền bị chìm, xác ông trôi về Cửa Hội. Về sau được nhân dân lập đền thờ cúng, đến nay vẫn còn tượng gỗ hai cha con Vương Phúc, Vương Bột. Đến thời Trần, chùa Song Ngư là nơi Huyền Trân công chúa tu tập một thời gian trước khi trở về Thăng Long. Cửa Lò còn có rất nhiều di tích cổ, đó là những ngôi chùa, ngôi đền như chùa Đảo Ngư, chùa Phổ Am… và các ngôi đền thờ các danh nhân như đền thờ Cương Quốc công Nguyễn Xí, đền Thái phó Nguyễn Sư Hồi… Những di tích lịch sử này là minh chứng cho một thời kỳ phát triển về lịch sử cũng như văn hóa trên mảnh đất này.
Cửa Lò trong dòng chảy lịch sử dân tộc
Mảnh đất Cửa Lò với núi non, bể sông hùng vĩ đã hun đúc, sản sinh ra rất nhiều con người kiệt xuất. Lịch sử dân tộc ghi nhận nhân tài hào kiệt ở mảnh đất này từ văn tới võ, từ y học tới kỹ thuật không đời nào không có. Cửa Lò có núi Kiếm, núi Cờ tạo nên khí thiêng cho sự phát đạt về đường võ: đây là nơi sinh ra các võ tướng kiệt xuất của dân tộc như Cương Quốc công Nguyễn Xí, Thái bảo Nguyễn Sư Hồi. Dòng họ Nguyễn Đình hậu duệ Nguyễn Xí có tới hàng chục người được phong tước Quận công và tước Hầu. Thời hiện đại, Cửa Lò còn có 4 chiến sĩ cách mạng mang quân hàm cấp tướng là Hoàng Đan, Hoàng Khuê, Hoàng Miện và Lê Xuân Kiện cùng nhiều người mang quân hàm cấp tá khác...
Phía bên phải sông Cấm là núi Bảng Nhãn làm bức bình phong che chở và hội tụ khí thiêng, lại có núi Thạch Động với hình dáng ngọn bút viết lên trời xanh cho Cửa Lò phát danh đường thi thư khoa cử. Trong lịch sử, mảnh đất này có hàng trăm người đỗ đạt cao từ hương cống, cử nhân, tiến sỹ mà cao nhất là hoàng giáp. Tiêu biểu nhất có Thạch Động Phạm Nguyễn Du đậu Hoàng giáp năm 1779, làm quan tới chức Đông các Đại học sĩ. Bằng Quận công Nguyễn Hữu Chỉnh thi đỗ hương cống năm 16 tuổi, lại thi đỗ tam trường ngành võ. Ông là một trong những tác giả thơ Nôm nổi tiếng và là một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất đến lịch sử Việt Nam thế kỷ 18. Hoàng Văn Cư đậu Phó bảng, làm quan tới chức Đốc học Nghệ An. Nguyễn Huy Nhu đậu tiến sỹ, là danh sĩ Nho học và nhà giáo dục nổi tiếng thế kỷ 20, từng là Hội trưởng hội cổ học Việt Nam và chủ bút báo Cổ học quý san…
Hình ảnh một lễ hội tại Cửa Lò
Không chỉ có nhân tài văn – võ, Cửa Lò còn là nơi có nhiều vị danh y nổi tiếng, đó chính là những nhân vật thuộc dòng họ Hoàng, trong đó có hậu duệ của Sát Hải đại vương Hoàng Tá Thốn. Danh y Hoàng Nguyên Cát tác giả của bộ sách y học đỉnh cao “Quỳ viên gia học”. Hoàng Nguyên Lễ làm Viện phó Viện Thái y, chữa bệnh cho nhà vua và hoàng tộc. Ông từng giữ chức Phó chánh sứ đi sứ Trung Hoa và được triều Mãn Thanh ca ngợi là “sứ thần Việt Nam uyên bác y thuật, mẫu mực về thơ phú”. Con trai của Hoàng Văn Cư là Hoàng Văn Thâm kế tục truyền thống vẻ vang của dòng họ thi đỗ Cử nhân khoa thi năm Ất Mão (1915), tới năm 1936 ông là một trong những người sáng lập ra Hội Y học Trung Kỳ, tập hợp nhiều văn thân sỹ phu yêu nước trên địa bàn từ Thanh Hóa vào đến Phan Thiết. Ông là một trong những người có công lớn trong việc chấn hưng nền y học cổ truyền dân tộc. Đến năm 1958, ông giữ chức Viện trưởng Viện Y học cổ truyền Việt Nam, Phó hội trưởng Hội Đông Y Việt Nam.
Cửa Lò còn là quê hương của nhiều vị anh hùng cách mạng nổi tiếng như chí sỹ Hoàng Phan Thái – người được Phan Bội Châu ca ngợi là “Cách mạng khai sơn chi tổ”. Đến thời hiện đại có đồng chí Hoàng Văn Tâm – người cộng sản kiên trung trong Cao trào Xô viết 1930 – 1931. Chiến sỹ cách mạng Phạm Tước là người tổ chức in ấn và cất giấu tài liệu mật của Đảng trong thời kỳ Cao trào Xô viết 1930 – 1931. Nữ chiến sỹ biệt động Sài Gòn, Lê Thị Bạch Cát, nguyên Bí thư Quận đoàn II hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968. Đặc biệt nhất phải kể đến đồng chí Nguyễn Duy Trinh - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam...
Phát huy “tài nguyên nhân văn” để phát triển du lịch bền vững
Cửa Lò không chỉ có tài nguyên thiên nhiên – thắng cảnh mà còn có tài nguyên nhân văn – văn hiến. Đây chính là nguồn lực cực kỳ to lớn để phát triển và đa dạng hóa các loại hình du lịch. Vì thế, việc phát triển du lịch chỉ dựa trên tài nguyên thiên nhiên mà chủ yếu là du lịch biển sẽ chưa bộc lộ hết những tiềm năng thế mạnh thực sự. Một trong những giải pháp tối ưu cho việc đẩy mạnh sức hút đối với khách du lịch tại Cửa Lò chính là việc liên kết loại hình du lịch biển – danh thắng với du lịch tâm linh – tín ngưỡng. Theo thống kê sơ bộ hiện nay trên địa bàn Cửa Lò có đầy đủ các loại hình di tích – danh thắng, trong đó có tới 3 di tích được cấp bằng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia và hàng chục di tích lịch sử cấp tỉnh khác. Dựa vào những lợi thế này để khơi dậy tiềm năng, phát lộ thế mạnh, làm cho bạn bè khắp nơi thấy được truyền thống văn hiến văn vật tại đây, đồng thời khơi dậy tính khám phá, tìm tòi và hướng về những giá trị văn hóa nhân văn tốt đẹp.
Một trong những biện pháp trước mắt để quảng bá những giá trị nêu trên, đó chính là phải xây dựng được một hệ thống thông tin đầy đủ về những di tích lịch sử và thắng cảnh; đào tạo đội ngũ nhân viên kinh doanh du lịch và hướng dẫn viên du lịch có tính chuyên nghiệp cao, góp phần tạo ấn tượng mạnh và trở thành một điểm đến của du khách.
.
Theo: Trần Tử Quang