Danh mục sản phẩm
Ngày tham gia: 26/12/2016
Lượt truy cập: 10.606
Gian hàng chưa được xác nhận
Yahoo Messager
Quảng cáo
Chi tiết bản tin
Văn hóa ẩm thực Tây Bắc
Nét đẹp văn hóa ẩm thực Tây Bắc

 Ai đã từng đặt chân đến vùng Tây Bắc xa xôi của tổ quốc khi ra về chắc chắn sẽ không thể quên mang theo những hình ảnh, ấn tượng tốt đẹp về miền đất núi non trùng điệp này.

Đến nơi đây bạn không chỉ được ngắm nhìn vẻ hùng vĩ mà còn được khám phá vẻ hoang sơ của núi rừng hay cảm nhận sự hiếu khách của những con người mộc mạc, chân thành của các dân tộc bản xứ. Nơi đây quy tụ khoảng 20 dân tộc nhưng nổi trội nhất có lẽ là dân tộc Thái, dân tộc có dân số đông nhất vùng. Những người đã từng qua Tây Bắc không thể quên được hình ảnh những cô gái Thái với những bộ váy áo thật rực rỡ đặc trưng của Tây Bắc hay những món ăn mang nét đặc trưng riêng của dân tộc như: gà mọ, cá suối nướng úp, nộm da trâu hay thịt trâu gác bếp,…  

Cá suối nướng úp là món ăn không thể thiếu trong các  lễ hội của người Thái, và đã trở thành một nét văn hóa ẩm thực đặc biệt mang hương vị dân tộc. Cá suối nướng úp còn có tên gọi Pa Pỉnh Tộp, món ăn này nổi tiếng đến mức người dân tộc Thái còn có câu nói nổi tiếng: “Gà tơ tần đem đến, không bằng Pa Pỉnh Tộp đem cho”, điều này cũng thể hiện được sự đặc biệt của nó. Để làm được món này quan trọng nhất có lẽ là khâu chuẩn bị các loại gia vị tẩm ướp cho cá làm sao cho cá có ngọt và thơm của các loại lá và hạt cây rừng. Cá suối to bằng bàn tay được chọn, rửa sạch mổ phanh cá ra đằng sau lưng, ướp gia vị gồm: các hạt lá và cây rừng của người Thái, tỏi, gừng, hành củ, rau húng rừng, lá gừng, rau mùi, ớt, muối. Tất cả các loại gia vị trên băm hoặc giã nhỏ trộn đều rồi ốp vào cá, gập thân cá lại dùng cặp tre cặp cá lại rồi nướng trên than củi. Những công đoạn mổ cá, gập cá cho vào nướng,... đều yêu cầu rất cẩn thận. Công phu là vậy nhưng thành quả thu được chắc chắn sẽ làm bạn hài lòng, món cá suối nướng thơm lừng, cá chín vàng nhưng thịt cá lại có vị ngọt đặc trưng của cá suối, đặc biệt thân cá bị gập lại khi nướng nhưng thịt lại không hề bị vụn, rời ra. Món ăn này sẽ chưa tròn vị nếu thiếu gia vị chấm mà nơi đây thường gọi với cái tên chẩm chéo. Chẩm chéo được làm từ ớt, muối, tỏi, hạt mắc khén và mỳ chính giã và trộn với nhau. Hương vị của chẩm chéo rất lạ và đặc trưng. Nếu được ăn kèm với cơm lam, uống rượu cần và nhâm nhi cá nướng bạn sẽ cảm nhận được hương vị núi rừng Tây Bắc thật thi vị và khó quên.

 

Nộm da trâu – tên món ăn nghe tưởng như đùa bởi ai cũng biết đặc tính của da trâu là dày, dẻo, dai và rất khó chế biến nhưng đây lại là một món ăn đặc trưng của dân tộc Thái vùng Tây Bắc. Người Thái đã khéo léo biến da trâu thành một món ăn không thể thiếu trên bàn nhậu. Người Thái đem da trâu đốt sơ qua, sau đó ngâm với nước. Khi da trâu đã mềm, bên ngoài miếng da có màu vàng đậm, bên trong có màu vàng nhạt, nhìn trong trong, người ta dùng dao sắc thái thành những sợi mỏng, sau đó cho vào chảo mỡ đang sôi chiên giòn. Đấy chỉ là bước đầu tiên, tiếp theo lấy da trâu đã chiên giòn, cho thêm ít thịt trâu, mùi ta, mùi tàu, rắc thêm lạc và một chút hạt mắc khén. Đặc trưng của món nộm này là không phải dùng chanh hay dấm để tạo nên vị chua mà lại là dùng nước măng chua, nhưng là vị chua vừa phải, không chua gắt quá sẽ làm mất đi vị thơm của món ăn này. Thưởng thức món ăn này bạn sẽ được nếm cảm giác ngòn ngọt của thịt trâu, vị bùi của lạc rang, thơm của mùi ta đặc biệt là cái giòn giòn của da trâu. Nhấm nháp thêm chút rượu thì món nộm da trâu là món ăn mà dân nhậu không thể bỏ qua.

  Trong các món ăn của dân tộc Thái thì thịt trâu gác bếp có lẽ là món ăn được chế biến với ít công đoạn nhất nhưng hương vị của nó thì chắc chắn sẽ làm “ám ảnh” những du khách đã từng ghé chân qua nơi đây. Thịt trâu gác bếp là món ăn đặc sản của người Thái đen. Món này thường được làm từ thịt bắp của những chú trâu thả rông trên các vùng đồi, núi cao. Khi chế biến, người ta róc các thớ thịt trâu ra thành từng miếng và thái dọc thớ rồi đem tẩm ướp thịt trâu bằng các loại lá rừng như: ớt, gừng, xả, mắc khén - một loại hạt tiêu rừng của người dân tộc thiểu số vùng cao. Khi thịt đã ngấm gia vị người ta đem xâu thịt thành từng xiên, treo trên những thanh tre được gác ngang qua phía trên của bếp , rồi hun bằng khói của than củi được đốt từ các loại cây mọc trên núi đá. Đây chính là lí do món ăn này có tên gọi thịt trâu gác bếp. Khói củi ngấm vào từng thớ thịt trâu làm thịt đỏ sậm màu hơn, mùi khói gần như vẫn còn nguyên, song lại không gây khó chịu, vị ngọt của thịt cộng với vị cay, thơm của các gia vị, quyện với mùi khói thơm khiến món ăn càng trở nên đặc biệt.

Đã đến ghé qua dân tộc Thái mà du khách không thưởng thức món gà mọ thì sẽ là điều đáng tiếc bởi đây cũng là một món ăn đặc trưng của dân tộc này. Cầu kỳ hơn món thịt trâu gác bếp một chút nhưng bạn sẽ thấy công sức mình bỏ ra xứng đáng khi được nhấm nháp món ăn này. Gà sau khi được làm sạch sẽ, người ta đem chặt nhỏ và ướp với các loại gia vị như gừng, xả, ớt… ngoài ra người dân ở đây còn ướp gà với các loại lá cây rừng - loại lá mà chỉ có ở miền núi Tây Bắc. Sau khi thịt gà đã ngấm đều các gia vị, người ta sử dụng lá dong để gói thịt gà thành những gói nhỏ trước khi cho lên vật dụng để đồ món ăn của người Thái, làm như vậy hương vị của  gà và các loại gia vị sẽ được giữ nguyên. Thịt gà được hấp chín đều, mềm và ngấm gia vị và mùi thơm của các loại lá quyện vào nhau tạo thành hương vị không thể quên đối với ai đã từng được một lần trải nghiệm món ăn này. 

Từng đó món ăn, từng đó hương vị thôi cũng đủ để nói lên vẻ đẹp ẩm thực của dân tộc Thái. Và cũng chính hương vị đó đã quyến rũ biết bao nhiêu du khách mọi miền không ngại đường núi xa xôi, muốn lên tận nơi để được thưởng thức và ghi nhớ về những món ăn đặc sản mà không nơi nào có được. 

Bài viết mới
Cùng danh mục