Hàng trăm năm nay, người dân làng nghề Phú Lợi (xã Quỳnh Dị, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) luôn tự hào về sản phẩm nước mắm đặc biệt của quê hương mình.
Chuẩn bị công đoạn lọc sản phẩm
Nguyên liệu sản xuất nước mắm từ cá cơm. Cá phải tươi và được rửa sạch trước khi đưa vào ủ. Sau khi lựa chọn được cá tươi thì tiến hành trộn cá với muối. Trong quá trình ủ, để tạo hương vị riêng cần thêm vào đó các loại phụ gia như vừng rang, gạo rang, đường kính...
Khi trời nắng phải đánh khuấy để cá chín đều và sau hơn 1 năm là có thể sử dụng được. Ngoài phương pháp đánh khuấy, người dân còn sử dụng phương pháp gài nén, thời gian để cho ra được nước mắm là từ 15- 20 tháng. Nước mắm có vị đậm đà, mùi thơm, màu vàng sậm, trong vắt và sánh. Do cách muối cá như thế nên hàm lượng đạm trong nước mắm luôn ở mức trên 35 độ đạm. Nhiều hộ dân đã làm giàu bằng nghề sản xuất nước mắm, nhà cửa, đường sá được xây dựng khang trang, rộng rãi.
Mỗi năm, cả xã Quỳnh Dị sản xuất được khoảng hơn 2 triệu lít nước mắm. Trong đó có hàng chục hộ chế biến từ 50 - 100 tấn chượp/năm. Hộ ít thì cũng chế biến khoảng 20- 30 tấn chượp. Tuy nhiên, khâu tiêu thụ vẫn đang mạnh ai nấy lo. Một số hộ sản xuất lớn bán theo đơn đặt hàng, còn lại chủ yếu là bán lẻ trong huyện và các vùng phụ cận.
Bà Trần Thị Hệ là một người sản xuất nước mắm lâu năm cho biết: “Càng ngày, nước mắm Quỳnh Dị tiêu thụ càng khó khăn hơn nhiều so với trước đây. Đặc biệt là từ khi các nhãn hiệu nước mắm sản xuất theo công nghệ hiện đại ra đời và quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng thì nước mắm được chế biến theo phương pháp cổ truyền nói chung rất khó tiêu thụ”.
Không chỉ yếu về khâu quảng bá, đăng ký xây dựng thương hiệu, hầu hết các hộ làng nghề nước mắm Phú Lợi đều đang ở quy mô nhỏ, nên việc thu gom khối lượng lớn để đáp ứng những đơn hàng lớn hay thâm nhập vào các siêu thị, đại lý cũng đang gặp khó. Vì vậy, việc xây dựng, củng cố và quảng bá thương hiệu cho sản phẩm nước mắm của làng nghề Phú Lợi là vô cùng cần thiết.