TIN TỨC
Danh bạ doanh nghiệp
Danh mục sản phẩm
Danh mục dịch vụ
Quảng cáo
Hương trầm làng nghề Quỳnh Đôi
Cách quốc lộ 1A khoảng chừng 4 cây số là xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu. Cuộc sống của người dân Quỳnh Đôi nay đã có nhiều đổi mới. Mặc dù lao động ở đây chủ yếu vẫn sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp song họ đã biết phát huy nghề truyền thống của cha ông, tạo dựng cho quê mình một thương hiệu, đó là Hương trầm Quỳnh Đôi.
Xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu

Từ thế kỷ 17, nghề làm hương trầm đã có ở Đền Cờn (xã Quỳnh Phương, Quỳnh Lưu). Từ đó mà nghề cũng đã “bén duyên” với người dân Quỳnh Đôi từ những năm 80 của thế kỷ trước. Bằng bí quyết gia truyền, hương trầm Quỳnh Đôi có mùi hương đặc biệt hơn những địa phương khác, không nồng đậm mà lan toả trong không gian một mùi hương thơm nhè nhẹ quyến luyến lòng người.

Nguyên liệu làm hương trầm gồm có rễ hương, thảo quả, hoa hồi, quế chi (hoặc bột quế khô), trầm xô, bã mía và một vài thứ đặc biệt khác, trong đó rễ hương là nguyên liệu chính. Rễ hương được mua từ xã Quỳnh Thắng. Quỳnh Thắng là vùng đất núi, do đó rễ hương ở đây rất thơm. Còn các nguyên liệu khác hầu hết đều được mua từ các đầu mối trong tỉnh, riêng thảo quả là phải nhập về từ tỉnh Lạng Sơn. Khi đã tập trung đủ vị, những nguyên liệu này được đem phơi khô rồi xay nghiền thành bột mịn, trộn đều với nhau theo một công thức tỷ lệ nhất định thành bột hương.

 

Ảnh sưu tầm

Còn chu hương, người dân Quỳnh Đôi chủ yếu dùng nứa có sẵn ở địa phương, chẻ nhỏ làm chu. Nứa mua về được ngâm, sau đó vào những tháng 5, tháng 6 khi thời tiết nắng nóng, nứa được chẻ bỏ phần vỏ ngoài, phần ruột trong được chẻ nhỏ làm chu, đây là phần vừa dẻo, vừa mềm và dễ cháy. Sau khi được chẻ xong, chu được nhuộm phẩm đỏ từ 15-20 cm để làm chân hương, rồi được phơi sương, phơi nắng để chu khô. Nhờ đó, không hoá chất nhưng hương Quỳnh Đôi luôn cháy đều, tàn hương sau khi cháy còn nguyên, uốn cong rất đẹp.

Nghề làm hương nơi đây không chỉ tập trung vào những tháng gần tết, mà ngay từ đầu năm vào khoảng tháng 2 âm lịch, công việc chuẩn bị đã được tiến hành, nào là đi mua nguyên liệu, mua nứa, giữa tháng 5 tháng 6 lại chẻ và phơi chu hương, phơi nguyên liệu, sau đó sang tháng 7, tháng 8 âm lịch bắt đầu đi vào sản xuất đại trà.

Trước đây với diện tích đất canh tác 21,9ha, một năm 2 vụ lúa và chăn nuôi, cuộc sống của người dân 2 thôn gặp nhiều khó khăn. Nhận thức được điều đó, với sự chỉ đạo của Liên minh HTX tỉnh, lãnh đạo huyện, xã, cùng với sự quyết tâm của người dân, nghề sản xuất hương trầm đã dần dần phát triển. Hiện nay thu nhập bình quân của lao động làm hương khoảng 2 triệu đồng/người/tháng. Đây là một khoản thu nhập khá hỗ trợ thêm cho cuộc sống người dân. Những năm gần đây, người dân thôn 3 và thôn 4 Quỳnh Đôi sản xuất hương không chỉ để phục vụ nhu cầu ngày tết cho gia đình, làm quà biếu cho anh em, người thân ở xa mà một số hộ đã thực sự giàu lên bằng nghề sản xuất hương trầm. Năm 2012, làng nghề hương trầm thôn 3 và thôn 4 Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu đã sản xuất được 419.164 búp hương các loại, trung bình 7.000 đồng/búp,  tổng doanh thu đạt gần 3 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí thu về gần 1,8 tỷ đồng. Chính nhờ có nghề làm hương mà đời sống của người dân Quỳnh Đôi ngày càng khấm khá.

Thấy hiệu quả từ nghề làm hương, lao động làm nghề trong thôn ngày một nhiều, không chỉ người lớn mà cả người già, trẻ em cũng tham gia vào nhiều công đoạn khác nhau. Và cũng vì thế mà nghề làm hương nơi đây còn thu hút lao động ngoài xã làm tại một số cơ sở như cơ sở Thành Tâm của gia đình ông Hồ Đức Thiện, cơ sở Hương Quỳnh của gia đình ông Hồ Quốc Việt… Khẳng định với người tiêu dùng bằng chất lượng, do đó thị trường tiêu thụ sản phẩm hương trầm của làng ngày càng được mở rộng, không chỉ có trong huyện trong tỉnh mà còn có mặt tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Bắc Ninh, Gia Lai, Đắc Lắc, Vũng Tàu…

Có về làng nghề hương trầm Quỳnh Đôi vào những ngày này chúng ta mới cảm nhận được không khí của làng nghề, sự nhộn nhịp tấp nập của các chuyến hàng to nhỏ đi xa, sự hoà quyện trong không gian một mùi thơm hương ấm áp khiến cho ta như đang sống trong cái tết truyền thống quê nhà.

Vân Anh