TIN TỨC
Danh bạ doanh nghiệp
Danh mục sản phẩm
Danh mục dịch vụ
Quảng cáo
Làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến, Quỳ Châu
Quỳ Châu - vùng đất của những ché rượu cần cùng những cô gái Thái xinh đẹp trong điệu múa xòe của vùng sơn cước…là mảnh đất của nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng mà ở đó bạn không khó nhận ra màu xanh của cây rừng, màu hồng, màu đỏ của những cánh hoa rừng, màu vàng rực rỡ của ánh nắng mặt trời… trên từng khuông vải. Và ở đó, bạn cũng sẽ nhận ra tình yêu và niềm đam mê nghề như một nét đẹp tâm hồn của người phụ nữ Thái Việt Nam.
Hoa Tiến, Châu Tiến, Quỳ Châu

Trong năm 2011, làng nghề đã sản xuất được 7.000 sản phẩm các loại, đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng. Trung bình mỗi người trên một  tháng có thu nhập từ 800 đến 1 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ sản phẩm bây giờ không chỉ trong nước mà còn ra cả nước ngoài như Trung Quốc, Pháp, Canada và Tổ chức phi chính phủ CRAP LINK là một khách hàng thường xuyên của làng nghề.

Sản phẩm thổ cẩm Hoa Tiến độc đáo ở nghệ thuật trang trí, nó rất phong phú và độc đáo, có tới hơn ba mươi loại hoa văn, họa tiết. Gam màu chủ yếu thường sử dụng là: Trắng, đỏ, vàng, xanh lá cây và tím… tạo ấn tượng mạnh. Tính thẩm mỹ của thổ cẩm thể hiện qua từng đường kim múi chỉ. Người ta còn ví sự khéo tay của các chị tạo nên những họa tiết lung linh, có hồn rằng: “Văm mư pê lai, ngái mư pê bọc” (có nghĩa là: “Úp bàn tay thành hình muôn sắc, Ngửa bàn tay thành hoa muôn màu”). Việc biết thêu thùa, dệt vải được coi là tiêu chuẩn, của người con gái. Vì thế mà người Thái có câu “Nhinh hụ dệt phai, trái hụ sán hé” (có nghĩa là “con gái biết dệt vải, con trai biết đan chài”).

Trước đây, các sản phẩm thổ cẩm chỉ để phục vụ cho nhu cầu sử dụng của bản thân và gia đình, là của hồi môn cho con gái khi lấy chồng. Nhưng giờ đây, các sản phẩm thổ cẩm đã trở thành mặt hàng rất được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Nghề thổ cẩm đã giúp phụ nữ dân tộc thiểu số tăng cơ hội có việc làm và thu nhập để cải thiện đời sống, đồng thời giữ gìn bảo tồn mãi mãi nghề truyền thống của dân tộc. Những nét hoa văn của thổ cẩm, những ngôi nhà sàn cổ, tiếng hát nhuôn, hát suối, điệu lăm, điệu khắp đã tô thêm nét đẹp của mường Chiêng Ngam, một mường đẹp của miền Tây Nghệ An trên đà phát triển. Mỗi dịp tết đến xuân về, những chiếc áo váy sặc sỡ được các mẹ, các chị làm ra hay mặc đi hội xuân, như đánh thức lòng tự hào về nghề truyền thống của một cồng đồng dân tộc Thái huyện Qùy Châu.

Nghề dệt thổ cẩm của người Thái ở Quỳ Châu đã có từ rất lâu đời. Trước đây, sản phẩm thổ cẩm được làm ra chủ yếu để phục vụ nhu cầu trong gia đình, làm của hồi môn khi con gái về nhà chồng. Đã là cô gái Thái thì ai cũng phải biết dệt thổ cẩm và thêu thùa, họ thường tự tay làm những bộ chăn, đệm, những chiếc khăn Piêu… và thổ cẩm đã trở nên một phần không thể thiếu trong đời sống vật chất và tinh thần của họ.

Con gái Thái từ 6 đến 7 tuổi phải làm quen với bông, sợi, dệt vải, mười hai, mười ba tuổi bắt đầu làm quen với công việc thêu thùa. Mặc dù vất vả với việc làm nương rẫy, nhưng mỗi khi có thời gian là người phụ nữ Thái lại miệt mài bên khung cửi. Có lẽ cũng vì vậy mà mỗi đường nét hoa văn, mỗi gam màu phối trộn dường như còn thấm đượm tình yêu lao động, yêu quê hương. Từ những khung dệt thổ cẩm thô sơ được tạo thành từ những thanh tre, ống nứa… người phụ nữ Thái đã dệt nên những miếng thổ cẩm để trang trí cho từng loại sản phẩm mà họ cần. Vì thổ cẩm được dệt hoàn toàn bằng tay nên độ chặt, lỏng, mềm cứng của sản phẩm đều được người phụ nữ Thái điều chỉnh một cách tinh tế.

Tính cách và tuổi tác được thể hiện rất rõ trên những sản phẩm thổ cẩm của người Thái. Với những cô gái Thái đang yêu thì không thể giấu nổi tình cảm của mình bằng những gam màu sáng chủ đạo. Còn những người phụ nữ lớn tuổi thì thiên về những gam màu trầm, về những đường nét rắn rỏi và đậm nét suy tư.

Hàng dệt thổ cẩm của người Thái ở Quỳ Châu với những họa tiết hoa văn phong phú, nhã nhặn đã thực sự chiếm được cảm tình của nhiều khách hàng trong nước và quốc tế. Những chiếc khăn Piêu trên cơ sở những mô tuýp truyền thống, kết hợp với những nét hiện đại hay những chiếc túi xách xinh xắn được dệt bằng chất liệu tơ tằm đã có mặt không chỉ ở nhiều thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh mà cũng đã được xuất khẩu sang Nhật Bản và nhiều quốc ở Châu Âu như Pháp, Bỉ, Ý… Và đặc biệt nhất có lẽ là nghệ thuật nhuộm màu sử dụng các loại chất liệu cỏ cây, hoa, lá của người Thái mà không có nơi nào có thể sánh được đã nâng giá trị hàng dệt Quỳ Châu lên thành một loại mặt hàng thời trang cao cấp.

Mời bạn đến với Quỳ Châu, đến với một vùng đất cổ thuộc vành đai văn hoá Phủ Quỳ, nơi có những người Việt cổ đã sinh sống từ hàng trăm ngàn năm trước, nơi được thiên nhiên ban tặng những phong cảnh núi rừng hùng vĩ dọc dòng sông Hiếu thơ mộng, nơi có vô số phong cảnh hang động và dòng thác trắng ngần tuyệt tác của thiên nhiên với những cái tên đã trở nên rất đỗi quen thuộc như Thẩm Bua, Thẩm Ồm, Tạt Ngoi, Thác Đũa..và là nơi giai điệu của những tiếng thoi đưa luôn mãi ngân vang./.