TIN TỨC
Danh bạ doanh nghiệp
Danh mục sản phẩm
Danh mục dịch vụ
Quảng cáo
Xây dựng thương hiệu hàng hóa xứ Nghệ

Bài học từ hai thương hiệu mạnh

Ở Nghệ An, với tiềm năng lớn về đất đai, nhân lực, với những vùng chuyên canh rộng lớn, đã và đang hình thành nhiều thương hiệu mạnh như: Chè xanh thượng hạng Kim Liên, chè xanh nhúng Kim Liên của Công ty chè Nghệ An, xi măng Hoàng Mai, đường Melly (Tate &Lyle), nước mắm Vạn Phần… Thực tế cho thấy ở đâu, nơi nào chú trọng xây dựng thương hiệu, dành nguồn lực đầu tư cho chất lượng và quảng bá sản phẩm thì thương hiệu đó tác động mạnh đến tâm lý khách hàng, dẫn đến thành công cho doanh nghiệp.

Xác định được tầm quan trọng của thương hiệu, từ năm 2003, Công ty ĐT và PT chè Nghệ An đã phối hợp với Công ty TNHH sở hữu trí tuệ và công nghệ Thủ đô để xây dựng thương hiệu. Ngày 25/12/2013, Công ty đã được Cục Sở hữu trí tuệ đăng ký Thương hiệu Ngheantea theo Giấy chứng nhận số 51676. Ngày 20/11/2003, đã được Tổng cục TCĐLCL cấp mã số mã vạch số 893601504 cho các sản phẩm của Công ty. 

Bên cạnh logo, nhãn mác đã được bảo hộ, Công ty còn chú trọng tạo niềm tin với khách hàng về chất lượng sản phẩm, về giá cạnh tranh. Công ty đã và đang áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nguyên liệu cũng như chế biến và bảo quản. Hiện nay với dây chuyền chế biến sản phẩm tiên tiến, Công ty TNHH MTV ĐT và PT Chè Nghệ An có 9 xí nghiệp trực thuộc gồm: XN chè Bãi Phủ, XN chè Hạnh Lâm, XN chè Thanh Mai, XN chè Vinh, XN chè Con Cuông, XN chè Hùng Sơn, XN chè Tháng Mười…trong đó có nhiều dây chuyền chế biến tiên tiến nhập khẩu từ Ấn Độ. Sản phẩm chính hiện nay được người tiêu dùng biết đến là chè xanh thượng hạng Kim Liên, chè xanh nhúng Kim Liên, chè nhài nhúng Kim Liên, chè đen nhúng Kim Liên. Ngoài ra còn có  chè xanh xuất khẩu loại A, B, B2, chè mảnh, chè BP1…

Lãnh đạo Công ty Chè cho biết: Việc xây dựng và phát triển thương hiệu không dành riêng cho một bộ phận nào hay dành cho Ban giám đốc, mà tất cả CBCNV Công ty luôn có ý thức và tinh thần vì thương hiệu. Ý thức  đó được truyền cho người trồng chè ở các vùng nguyên liệu, các tổng đội. Những vườn chè VietGap ngày một nhiều ở Thanh Chương, Anh Sơn. Giám đốc XN chè Hùng Sơn (Anh Sơn) - anh Trần Long, đã gắn bó với cây chè ở Hùng Sơn từ năm 2001. Cứ 45 ngày là một đợt cắt bán sản phẩm, anh lại đi từng vườn chè, tập huấn, nhắc nhở bà con trong từng qui trình thâm canh chè, đảm bảo chè năng suất cao mà đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Người trồng chè ở đây cũng thường xuyên sử dụng sản phẩm chè nên tuân thủ ngày cách ly sau khi bón phân, không sử dụng chất kích thích… để chè đảm bảo chất lượng xuất khẩu.

 

Khách hàng Ấn Độ đến thăm vùng nguyên liệu chè của Công ty Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An ở Thanh Chương. Ảnh: Châu Lan

 

Nhờ nỗ lực trong phát triển vùng nguyên liệu và chú trọng đến chất lượng cũng như mở rộng thị trường, đến nay sản phẩm chè của Công ty chè Nghệ An đã có mặt tại 20 nước trên thế giới như: Anh, Ấn Độ, Ba Lan, Afghanistan, Nga, Đài Loan, tiểu vương quốc Ả Rập… Kim ngạch xuất khẩu năm 2011 đạt 6,3 triệu USD với 5.400 tấn chè khô, kim ngạch xuất khẩu năm 2012 đạt 7 triệu USD với 6000 tấn chè khô. Nhiều nước tiêu thụ sản lượng chè Nghệ An lớn như Anh năm 2012  nhập khẩu 400 tấn, Pakistan 836 tấn, Hà Lan 390 tấn, Đức 717 tấn…

Công ty đã vươn lên xuất khẩu trực tiếp, đảm bảo đủ lượng hàng, tiến độ cho khách, lắng nghe và phản hồi ý kiến của khách hàng. Sản phẩm của Công ty đã được đạt giải thưởng “Tinh hoa Việt Nam” tại Festival Huế năm 2006, đạt giải Quả cầu vàng, doanh nghiệp liên tục từ năm 2009 đến nay được Bộ Công thương trao tặng danh hiệu “Xuất khẩu uy tín”, được UBND tỉnh Nghệ An trao giải “Thương hiệu hàng đầu” của Nghệ An. Hiện nay Công ty chè Nghệ An là 1 trong 10 doanh nghiệp xuất khẩu chè lớn nhất của cả nước.

Rõ ràng những thành công trong xây dựng thương hiệu chè Ngheantea không đơn thuần chỉ là việc xây dựng biểu tượng, nhãn mác, bao bì sản phẩm… mà quan trọng hơn là chất lượng đặc trưng của sản phẩm được bảo vệ trong qui trình từ trồng, chăm sóc nguyên liệu đến chế biến và chăm sóc khách hàng. Những khách hàng từ Anh, Ấn Độ đã đến thăm vùng nguyên liệu chè của Công ty để có được niềm tin về nguồn gốc sản phẩm.

Câu chuyện xây dựng thương hiệu nước mắm Vạn Phần thành công cũng là bài học kinh nghiệm cho nhiều hàng hóa khác. Vạn Phần là địa danh gồm 4 xã ven biển Diễn Ngọc, Diễn Bích, Diễn Vạn, Diễn Kim (huyện Diễn Châu),  hàng trăm năm nay nổi danh với nghề làm nước mắm. Sản phẩm truyền thống này đã từng trở thành đặc sản "tiến vua". Từ  cá cơm, cá nục, cá thu tươi và hạt muối mặn mòi,  đã kết tinh nên sản phẩm nước mắm đặc trưng có thương hiệu Vạn Phần... Nguyên liệu luôn được tuyển lựa kỹ lưỡng mới đưa vào bể chượp - gài nén theo phương thức cổ truyền. Sau đó ủ cả năm  cho chín tự nhiên rồi mới kéo “rút” lấy ròng loại nước mắm cốt màu vàng như cánh gián, tạo nên hương vị ngọt sau vị mặn của muối. Một yếu tố nữa làm nên hương vị đặc trưng của nước mắm Vạn Phần là điều kiện tự nhiên sẵn có của vùng biển này như nắng, gió, nguồn nước và môi trường phù hợp tác động vào quá trình phát triển của vi sinh phân giải cá thành nước mắm. Tiêu chí truyền thống để đánh giá chất lượng nước mắm nguyên chất là độ đạm, nước mắm Vạn Phần có độ đạm đạt đến  35 - là loại thượng hạng.

Công ty CP Thuỷ sản Vạn Phần Diễn Châu là đơn vị đi đầu, gìn giữ và xây dựng thương hiệu Vạn Phần. Ông Võ Văn Đại - Giám đốc Công ty cho biết: Năm 2012, lô hàng nước mắm đầu tiên ở Nghệ An mang thương hiệu Vạn Phần được xuất khẩu sang thị trường Malaysia với số lượng 18.000 lít. Đây chính là bước ngoặt lớn đánh dấu sự phát triển vượt bậc và sự khởi đầu để Công ty mở rộng thị trường. Mỗi năm công ty sản xuất hơn 1 triệu lít nước mắm các loại. Công ty chủ yếu sản xuất loại cao đạm từ 20- 32 độ với nguồn nguyên liệu chủ yếu là cá cơm. Công ty còn kết hợp mở rộng thị trường không chỉ các tỉnh miền Trung, miền Bắc mà còn xuất khẩu sang các thị trường Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc. Xuất khẩu nước mắm ngoài việc phải đảm bảo nghiêm quy trình đảm bảo VSATTP còn phải chịu những quy định của mỗi quốc gia, như đối với các nước đạo Hồi phải có chứng chỉ Holan đảm bảo đây là loại thực phẩm không sử dụng các nguyên liệu đầu vào mà người đạo Hồi kiêng kỵ.

Được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công tỉnh và khuyến công quốc gia, giai đoạn 2002 - 2010, Công ty Cổ phần thủy sản Vạn Phần đã tham gia nhiều hội chợ, triển lãm tại Thành phố Vinh và Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ… Qua các hội chợ, Công ty đã mở thêm nhiều cửa hàng, đại lý và một số điểm ký gửi. Việc xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường đã giúp cho sản phẩm của Công ty có mặt trên hầu hết các thị trường trong nước và đang được thị trường Lào ưa chuộng. Năm 2003, nước mắm Vạn Phần đã được Bộ Công nghiệp tặng Huy chương Vàng "Hàng Việt Nam chất lượng cao"; năm 2007, được Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam tặng giải Cầu Vàng Hàng Việt Nam chất lượng cao. Năm 2012, nước mắm Vạn Phần có thêm dòng "hạ thổ" được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Nghệ An...

Hiện Công ty CP Thuỷ sản Vạn Phần đã xây dựng Dự án Tạo lập quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Nước mắm vạn Phần" dùng cho sản phẩm nước mắm của huyện Diễn Châu. Dự án này do Sở KH-CN chủ trì, ông Võ Văn Đại, Giám đốc Công ty CP Thuỷ sản Vạn Phần làm chủ nhiệm dự án, dưới sự quản lý của Bộ KH- CN.  Mục tiêu của dự án là thiết lập cơ chế bảo hộ, quản lý và khai thác nhãn hiệu tập thể nhằm nâng cao giá trị, danh tiếng của sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể trên thị trường; chống hàng giả, hàng nhái; xây dựng và áp dụng trên thực tế mô hình quản lý nhãn hiệu tập thể nước mắm Vạn Phần, nhằm nâng cao uy tín của một trong những sản phẩm đặc trưng của địa phương, mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm nước mắm. Các hộ làm nghề sẽ thành lập hiệp hội, và khi các cơ sở kinh doanh muốn gắn nhãn hiệu tập thể “Nước mắm Vạn Phần” phải có đủ điều kiện, tuân thủ chặt chẽ từ quy trình kỹ thuật chế biến đến khâu đóng chai và bảo quản đã được hiệp hội thông qua.

Từ chè Ngheantea và nước mắm Vạn Phần có thể thấy: Giám đốc nào nhạy bén, có điều kiện, biết quan tâm, săn sóc cho thương hiệu thì cái lợi sẽ nhân lên nhiều lần.

“Quýt ngọt lấp lá”

Đường tinh luyện Tate & Lyle và tương Nam Đàn là 2 sản phẩm chất lượng của xứ Nghệ. Một là sản phẩm truyền thống, một được hình thành bởi công nghệ tiên tiến. Thế nhưng, nhãn hiệu đường Melli rất xa lạ với người dân, còn tương Nan Đàn vẫn cần một lai lịch rõ ràng.

Nhà máy đường Nghệ An Tate & Lyle là một trong những nhà máy đường hiện đại nhất cả nước, công nghệ tiến tiến của Anh quốc được vận hành tự động, công suất 9000 tấn mía cây/ngày, dưới sự giám sát quản lý trước đây là các chuyên gia nước ngoài, nay hầu hết là các kỹ sư người Việt. Là liên doanh với Tập đoàn Tate & Lyle thuộc Vương quốc Anh chuyên sản xuất và kinh doanh đường, đi vào hoạt động từ năm 1999, sản lượng đường mỗi năm từ 80.000 đến 100.000 tấn, phục vụ cho tiêu dùng và công nghiệp, công ty có một sản phẩm đường tinh luyện  nhãn mác tên là Melli. Hệ thống quản lý chất lượng của công ty đã được cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2008. Thế nhưng, nếu hỏi ngẫu nhiên một người dân Nghệ An thì hẳn sẽ khó tìm được người biết đến thương hiệu đường kính Melli của nhà máy này. Rất ít hoạt động quảng bá cho thương hiệu được thực hiện. Dường như Tate & Lyle không lo về đầu ra của đường nên việc quảng bá thương hiệu cho sản phẩm của mình công ty không mấy mặn mà.

Việc quảng bá và tôn vinh thương hiệu trên thị trường nội địa chưa tốt nên ít người biết đến thương hiệu. Người tiêu dùng Nghệ An cũng không biết thế nào là đường Nghệ An Tate & Lyle, không biết vì sao lại gọi là Melli, không được ai giải thích về logo, nhãn mác. Chất lượng mặt hàng này đối với nhiều người là chỉ… nghe nói. Trong khi đó, đường của Nhà máy đường Sông Con, Sông Lam dù không nổi tiếng nhưng đã đến tay người tiêu dùng Nghệ An thông qua các đại lý, các công ty thương mại ở Vinh và các huyện. 

Còn tương Nam Đàn là  một đặc sản của quê hương xứ Nghệ, được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu cho tương Nam Đàn đến nay vẫn chậm, nhất là thương hiệu tập thể.

 

Chế biến tương ở gia đình ông Phạm Hải Đường. Ảnh: Ngọc Anh

 

Khoảng từ năm 1990 đến nay, tương Nam Đàn phát triển mạnh thành tương hàng hoá. Năm 2010, sau khi được UBND tỉnh công nhận Làng nghề sản xuất tương truyền thống, từ 19 hộ làm nghề, nay có 30 hộ tham gia sản xuất tương chuyên nghiệp. Ông Phạm Hải Đường - Khối trưởng kiêm Trưởng làng nghề tương Phan Bội Châu chia sẻ: Để giữ được uy tín, tất cả những hộ làm tương trong làng nghề đều xác định phải giữ vững chất lượng. Trong quá trình sản xuất không dùng phụ gia thực phẩm. Các hộ sản xuất phải tuân thủ các quy định của làng nghề, nếu hộ nào sản xuất không đảm bảo tiêu chuẩn và quy định của làng nghề thì phải xoá tên khỏi làng nghề".

Mỗi năm cả làng nghề tương Nam Đàn sản xuất từ 400.000 - 420.000 lít tương, bình quân mỗi ngày đưa ra thị trường 3.000 lít, tổng thu nhập khoảng 3 tỷ đồng/năm. Làng nghề mang lại thu nhập ổn định, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Tương tiêu thụ khá, nhất là vào mùa du lịch từ tháng 3 đến tháng 10 hàng năm, làng nghề sản xuất không kịp phục vụ nhu cầu tiêu thụ của khách du lịch. Từ khi HTX Sa Nam được thành lập (năm 1998), chuyên thu gom và tiêu thụ các sản phẩm tương chất lượng cao của người dân, đầu ra cho tương càng thêm ổn định. Hiện HTX Sa Nam có 3 đại lý tiêu thụ hàng tại TP. Hà Nội, và các đầu mối tiêu thụ ở Đắk Lắk, Bình Dương, Đồng Nai, Sài Gòn, đưa tương Nam Đàn đi nhiều miền đất nước. Dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tương Nam Đàn cũng là sản vật của Nghệ An được đem đi trưng bày, giới thiệu tại thủ đô.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Hải Đường, dù tương Nam Đàn từ lâu đã trở thành sản phẩm gắn liền với tên tuổi địa danh du lịch nổi tiếng này nhưng bài toán xây dựng bảo hộ thương hiệu tập thể cho tương Nam Đàn đến nay vẫn chưa làm được. Từ năm 2012, HTX Sa Nam tương Nam Đàn đã lập đề án bảo hộ thương hiệu nhãn hiệu tập thể, xây dựng dây chuyền sản xuất chai lọ, in nhãn mác, logo thống nhất trình lên huyện, Trung tâm Khuyến công tỉnh nhưng vẫn chưa làm xong. Ngay từ năm 2001, Hiệp hội làng nghề đã vận động 22 hộ làm nghề góp mỗi hộ 2 triệu đồng đặt khuôn thổi được 1 vạn chai nhựa 1 lít và 0,5 lít có in chữ nổi "tương Nam Đàn" trên thân chai.

Đây được coi là thuận lợi lớn trong quá trình xây dựng thương hiệu, nhưng số chai này chỉ dùng được trong 1 năm, khi kêu gọi các hộ làng nghề tiếp tục đóng tiền để sản xuất chai nhưng không ai muốn vì họ cho rằng giá thành quá đắt (tại thời điểm đó tính ra 1 chai giá 1.500 đồng, trong khi giá tương chỉ có 5.000 - 6.000 đồng/lít). Hiện nay giá giá tương lên 28.000 - 30.000 đồng/lít, nếu dùng chai nhựa tận dụng chỉ mất 700 đồng/chai 0,5 lít, 1.000 đồng/chai 1 lít và 2.700 đồng/can 5 lít... Mặt khác, từ trước đến nay, người dân địa phương vẫn có thói quen tiếp thị sản phẩm tới khách hàng theo lối truyền thống là bày bán, giới thiệu ngay trên vỉa hè, nhiều chai tương dính đầy bụi đường bám dày thành lớp bên ngoài. Tương trưng bày trên những chiếc kệ tự tạo thô sơ từ ngày này qua tháng khác, khiến không ít du khách có ý định mua về dùng hoặc làm quà biếu, nhưng khi ghé vào những quán bày bán tương trên vỉa hè lại lo ngại về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thương hiệu - giá trị sống còn

Thương hiệu đối với doanh nghiệp rất quan trọng, nó có thể đơn giản là tên sản phẩm, tên công ty, tên cá nhân, tên dịch vụ gắn với doanh nghiệp được nhiều người biết đến, được nhận dạng bởi sự khác biệt. Thực tế cho thấy doanh nghiệp nào quan tâm đến thương hiệu cũng là những doanh nghiệp mong muốn khẳng định được vị trí của mình trong “cuộc chơi” của thị trường, từ đó thực sự sống chết vì nó…

Đã có rất nhiều thương hiệu thành công và được nhắc đến không chỉ nhờ những Slogan nổi tiếng mà còn bởi chất lượng của dịch vụ, sản phẩm. TH True Milk là một thương hiệu như thế. Xuất hiện sau nhiều thương hiệu sữa khác trên thị trường, song đến nay, TH True milk của Nghệ An đã có thị phần vững chắc không chỉ ở Nghệ An mà còn được người tiêu dùng trong cả nước biết đến với sự khác biệt “sữa tươi sạch”. TH True milk bền bỉ quảng bá trên nhiều phương tiện truyền thông, lay động cảm xúc người nghe, người xem. Ở đó, người tiêu dùng được biết đến công nghệ sản xuất sữa, những đàn bò chất lượng cao được “tắm mát, nghe nhạc”, hình ảnh những cánh đồng hoa hướng dương vàng rực làm thức ăn cho bò, dàn máy móc hiện đại tham gia vào trồng, thu hoạch, chế biến thức ăn, các chuyên gia nước ngoài làm việc, trang trại bò TH ở Nghĩa Đàn… Tất cả là một sự hoàn hảo của quy trình từ  “vườn… đến bàn ăn”, sự khác biệt về chất lượng sản phẩm, làm cho người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng sản phẩm sữa tươi tiệt trùng TH Truemilk.

Logo có ý nghĩa quan trọng để nhớ đến thương hiệu. Thương hiệu ngân hàng Vietinbank (Ngân hàng Công thương Việt Nam) với lo go mang biểu tượng hình trái đất trùm lên đồng tiền cổ với hai màu nổi bật xanh đỏ. Thương hiệu này liên tục được Vietinbank nhắc đi nhắc lại trên các không gian nơi có chi nhánh của Vietinbank với cùng một kích cỡ, màu sắc để người tiêu dùng dễ nhận ra. Logo ấn tượng và Slogan nổi tiếng của hãng bảo hiểm nhân thọ Prudential “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”  với hình ảnh Prudential, vị thần cẩn trọng màu đỏ thắm là biểu tượng của sự thống nhất trong các dịch vụ của Prudential từ năm 1848. Hay thương hiệu ô tô Toyota của Nhật gắn với dòng họ Toyoda với Logo bao gồm 3 hình eclip lồng vào nhau mang ý nghĩa: Một thể hiện sự quan tâm đối với khách hàng, một tượng trưng cho chất lượng sản phẩm và thứ ba là những nỗ lực phát triển khoa học công nghệ, rồi Slogan “Thơm ngon tới giọt cuối cùng” của nước mắm Chinsu…

 

 Vùng nguyên liệu dứa ở Nghĩa Đàn. Ảnh: Châu Lan.

 

Ở Nghệ An, mặc dù khá nhiều doanh nghiệp nhưng số doanh nghiệp và sản phẩm có thương hiệu rất ít, chỉ đếm được trên đầu các ngón tay. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp chưa đủ tiềm lực để xây dựng nên được thương hiệu cho mình, đó là điều kiện cần có cả “gỗ tốt” lẫn “nước sơn”. Công nghệ lạc hậu, sản phẩm gia công, tính cạnh tranh kém, làm ăn theo “phi vụ” khiến các doanh nghiệp không muốn theo đuổi về thương hiệu; hoặc dù rất muốn nhưng nhiều doanh nghiệp không thể có được thương hiệu mà chỉ có thể xây dựng và bảo vệ kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu sản phẩm.

Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ, từ năm 1991 đến nay, Nghệ An đã có 403 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp, trong đó có 367 nhãn hiệu, 19 kiểu dáng công nghiệp, 9 bằng sáng chế, 1 chỉ dẫn địa lý. Con số đó so với số lượng gần 10.000 doanh nghiệp trên địa bàn không phải là nhiều và nếu nhìn trong số đó thì số có thương hiệu nhờ “sự khác biệt” cũng rất ít. Số văn bằng bảo hộ so với số lượng các doanh nghiệp  chỉ mới chiếm khoảng 0,04% số doanh nghiệp. Hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn còn xẩy ra ví dụ như làm giả Ke chống bão của Công ty TNHH Định Nhàn; rồi phân bón giả, nước mắm giả, cam Vinh giả…

Nhiều sản phẩm chủ lực của Nghệ An vẫn chưa xây dựng được thương hiệu vững chắc trên thương trường như lạc Nghệ An, tương Nam Đàn, gà đen, lợn Mông, bò Mông… Nhiều sản phẩm mặc dù được người tiêu dùng yêu thích, nhưng mức độ quảng bá, phát triển rất kém. Ví như nhiều người dân TP.Vinh rất muốn mua được sản phẩm vịt bầu Quỳ tại Vinh nhưng không có. Hay cam Xã Đoài rất hiếm và giá quá đắt, không phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng…

Thời gian gần đây, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho một số doanh nghiệp trong hoạt động quảng bá sản phẩm, Sở Công Thương Nghệ An đã hỗ trợ kinh phí cho một số đơn vị đi tham dự các hội chợ trong và ngoài nước. Mới đây, Công ty TNHH Đức Phong đã được hỗ trợ gần 200 triệu đồng để giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ ở Đức. Sở Công Thương cũng đang gấp rút hoàn thiện gian trưng bày giới thiệu một số sản phẩm. Theo ông Nguyễn Tài Dũng - Phó Giám đốc Sở Công Thương thì: Doanh nghiệp Nghệ An hiện đang rất khó khăn trong xây dựng thương hiệu, vì lý do từ cả tài chính, khả năng lẫn nhận thức. Nhiều sản phẩm của Nghệ An rất có tiềm năng xây dựng được thương hiệu nổi tiếng đang phải xuất thô sang các nước như đá trắng, chè đen, nước dứa cô đặc… 

Thực tế đó cho thấy, việc xây dựng thương hiệu đối với doanh nghiệp không phải là việc “một sớm một chiều”, cũng không thể dựa vào nhà nước mà tự thân các doanh nghiệp khát khao vươn tới để sản phẩm, tên tuổi của mình trường tồn. Cái khó nữa của việc xây dựng thương hiệu đó là nhu cầu của người tiêu dùng thường xuyên thay đổi, nên sản phẩm, công nghệ cũng phải thay đổi theo để chiều khách hàng. Điều này càng khó với doanh nghiệp Nghệ An. Vì vậy sự động viên, hỗ trợ các đơn vị đổi mới dây chuyền, công nghệ cũng như các quĩ khuyến công, cơ chế khuyến khích đổi mới công nghệ của tỉnh càng nên hướng đến sự thực chất.

 

(Theo Báo Nghệ An)

 

 

 

 

Bài viết mới
Hướng dẫn nướng bánh PIZZA CÁCH NHẬN BIẾT BỘT SẮN DÂY CHUẨN XỊN Chăm sóc da em bé khi chuyển mùa an toàn và đúng chuẩn Tắm lá tía tô cho bé có tác dụng gì? Làm thế nào cho đúng? PETROLIMEX NGHỆ AN Thông báo thay đổi giá xăng dầu 15h00' ngày 03.04.2023 PETROLIMEX NGHỆ AN Thông báo thay đổi giá xăng dầu 15h 00'ngày 21.03.2023 PETROLIMEX NGHỆ AN Thông báo thay đổi giá xăng dầu 15h 00'ngày 13.03.2023 PETROLIMEX NGHỆ AN Thông báo thay đổi giá xăng dầu 15h 00'ngày 01.03.2023
Cùng danh mục
Các doanh nghiệp sữa phải kê khai giá với Bộ Công Thương QLTT Nghệ An: 1 tấn nội tạng thối trên xe khách Giá xăng tăng hơn 700 đồng/lít Nghệ An chủ động hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 5-12: Ngày mua sắm trực tuyến tại Việt Nam Paypal chính thức được tách khỏi eBay kể từ năm sau Xăng giảm giá 500 đồng/lít từ 16h chiều 7/8 Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên môi trường TMĐT